Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
LÀNG HƯNG NHÂN
 
(19h: 17-11-2010)
Tác giả: Phan Công Lượng (cuốn “Làng cổ Hà Tĩnh”)


Làng Hưng Nhân là một phần của xã Kỳ Hưng, huyện Kỳ Anh ngày nay. Đầu thế kỷ XIX, Hưng Nhân là một thôn của xã Phú Nghĩa, tổng Đỗ Chử, huyện Kỳ Hoa, đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là một đơn vị hành chính riêng thuộc tổng Hoàng Lễ, huyện Kỳ Anh. Cuối năm 1945, Hưng Nhân nằm trong xã Hoằng Trinh, từ 1945 thuộc xã Kỳ Hưng. Năm 1986, Thị trấn Kỳ Anh thành lập. một phần đất xã Kỳ Hưng, gồn Tiểu khu Hưng Thịnh, nằm dọc Quốc lộ 1A từ nam cầu Trí đến giáp xã Kỳ Trinh (nay là các khu phố Hưng Thịnh, Hưng Lợi, Hưng Hòa, Hưng Bình), và Hợp tác xã Trung Thượng, nằm dọc bờ sông Trí ( nay là khu phố Trung Thượng) vốn đất Hưng Nhân, được cắt nhập vào Thị trấn. Đất Hưng Nhân cũ chỉ còn xóm Tân Hà thuộc xã Kỳ Hưng.

*****

  

Làng Hưng Nhân xưa nằm đầu nguồn sông Trí, cách huyện thành Kỳ Anh, Trấn lỵ Dinh Cầu đời Lê khoảng nửa cây số theo đường chim bay. Là một làng bán sơn địa nửa trên phía tây toàn núi đồi, rừm tậm, nửa dưới , phía đông mới có dân cư: phía bắc giáp sông Trí, phía nam giáp xã Kỳ Trinh bây giờ, phía đông giáp xóm Trần Phú, xã Kỳ Hưng hiện nay.

 

Nửa làng trên (nay thuộc Thị trấn) xưa là rừng già, có nhiều hổ báo. Chúng thường xuống tận xóm, bắt bò, bắt chó, sau này người ta còn tìm thấy những gốc cây lớn. Hồi mới cướp chính quyền (8 – 1945) ở đây cây cối còn rậm rạp. Nhưng rồi rừng bị tàn phá sạch, chỉ còn trơ lại khu đồi trọc. Trên vùng đồi này ngày trước còn có một “nghĩa chủng” quy tập mồ mả của những người cô quả, chết đường, chết chợ để cầu phúc cho vua Tự Đức (?). Đây cũng là nơi quan quân luyện tập võ nghệ. Từ khi trường cấp 3 của huyện và lò rèn Hợp tác xã Tân Châu xây dựng ở đây, dân đến ở ngày càng đông, thì mấy ngọn đồi gần đó trở thành nghĩa địa lớn.

 

Nửa làng Hưng nhân phía dưới là những khu vườn rậm rạp, nào mít, nào hồng, nào cam, nào bưởi, mùa nào thức ấy…

 

                                                *****

Đến đất Hưng Nhân đầu tiên là Thọ quận công Phạm Tiêm, con trai trưởng của Quảng quận công Phạm Đốc (1512-1558). Người Kỳ Anh kể rằng: “Phạm Đốc vốn quê Hải Dương. Gặp lúc đói kém, loạn lạc, Đốc theo cha tha phương cầu thực, vào tận Châu Hoan. Cha chết, Đốc tìm đến ở chăn trâu cho nhà họ Nguyễn ở Phú Nghĩa, huyện Hà Hoa. Lớn lên ông theo vua nhà Lê đánh nhà Mạc có công, được phong tước quận công”. Phạm Tiêm (1531-1593) (?) cũng có công đánh nhà Mạc, được phong tước Thọ quận công. Ông vào trấn Nghệ An, đóng ở vùng Dinh Cầu, rồi về tổng Đậu Chử, sau vào thôn Hưng Nhân, xã Phú Nghĩa là nơi ông Phạm Đốc sống lúc nhỏ. Ông đưa dân khai hoang tại xứ Đồng Nại (nay là xã Kỳ Hà) đắp đê ngăn mặn, mở thêm 30 mẫu ruộng, và đào con mương dưới chân núi Cao Vọng đưa nước thông ra biển, tránh lụt lội cho vả vùng. Ngày nay, người ta vẫn còn kể câu chuyện “ Lấp Cửa Lỗ, trổ Eo Bù”, nhắc lại công tích của ông hồi ấy. Phạm Tiêm là thủy tổ của họ Phạm Hưng Nhân, một dòng họ võ thần có tiếng đời Lê, với nhiều võ quan được phong tước Công, hầu, trong đó có Điện quận công Phạm Hoành.

 

Sau họ Phạm,  họ Trương, họ Ông, họ Phùng, họ Nguyễn, họ Trần cũng đến đây lập nghiệp từ đời Lê. Đến sau, còn có họ Phan, họ Dương, họ Đặng và một số họ khác.

 

                                                       *****

 

Hưng Nhân ngày trước là làng cày, nhưng số người được đi học không hiếm…Thời Hán học, nhiều nhà nuôi thầy cho con cháu biết dăm ba chữ để khấn giỗ và đọc được văn khế. Cả làng chỉ có cụ Dương Đam đỗ tú tài và một vài khóa sinh dưới triều Nguyễn mà thôi. Từ nhưng năm 30 thế kỷ XX,  trong làng mới có dăm ba người học chữ quốc ngữ. Phải sau Cách mạng tháng Tám lại nay, việc học mới ngày càng mở mang…

 

Đền Phạm Trấn tướng thờ Thọ quận công Phạm Tiêm, thường gọi là đền Thánh Tổ, là di tích lịch sử văn hóa Hưng Nhân hiện còn. Đền xây dựng trên đất xóm Trung Thượng (nay thuộc thị trấn Kỳ Anh), có hai tòa nhà chính, trong khu vườn rộng, cây cối xanh tốt, trước có tam quan.

 

Trước đền có câu đối:

“Lĩnh tộc trâm anh thùy vạn đại,

Bách niên hương hỏa lẫm thiên thu.”

(Dòng họ trâm anh còn lưu danh muôn đời,

Trăm năm hương khói, lẫm liệt nghìn thu.)

 

“Nhân sơn điển tích kim do tại,

Trí thủy lưu danh vạn cổ truyền.”

(Dấu tích ở núi Nhân Sơn nay vẫn còn,

Tiếng tăm lưu lại vùng sông Trí muôn đời truyền tụng.)

 

Hàng năm ở đây có lễ tế giỗ thánh Tổ vào ngày 12 tháng 10 âm lịch.

 

Một số công trình thờ phụng khác ngày nay không còn, trong đó có đền Điện quận công Phạm Hoành, cháu bốn đời Thọ quận công – thường gọi đền Thánh Tiên; đền Thành hoàng làng, đền Thánh Khâm (?), chùa thờ Phật, và ngôi đình 12 gian, trạm trổ tinh vi. Hàng năm, làng rước Thần các đền miếu về đình hợp tế và mở hội linh đình.

 

Hưng Nhân, Phú Nghĩa là nơi có phong trào hát ví, hát giặm. Đến nay, người ta còn truyền câu ví của chàng trai Phú Nghĩa, đáp lại câu hỏi của cô gái Đan Du về quê quán của mình:

 

 

“Dằng đầu nhất khẩu chữ điền,

Thảo đầu vương ngã là miền quê anh.”

 

Đó là câu hát “ chiết tự” hai chữ Hán Phú Nghĩa.

 

Hồi kháng chiến, ở Hưng Nhân có cụ Đặng văn Chương là người giỏi làm ca, làm vè.

 

Vào dịp tết, trong làng có Phường sắc bùa đi hát chúc mừng năm mới cho từng gia đình. Tiếng trống sắc bùa đem lại niềm vui cho mọi nhà, tạo nên không khí tưng bừng trong thôn xóm.

 

Nhưng nói đến Hưng Nhân là phải nói đến Ả đào, ở đây gọi là hát Nhà trò. Đào kép ở đây đều là người họ Phùng và họ Phan. Theo gia phả thì họ Phùng vốn ở thôn Phúc Lâm, xã Hoằng Lễ, sau mới dời ra Hưng Nhân, nay có nhà thờ ở xóm Tân Hà. Tương truyền đời Lê, họ Phùng có bà Tổ cô hát hay, được vua Lê tuyển vào cung. Đời Nguyễn Minh Mệnh ông tổ Phùng Bình và con, cháu ông là Phùng Quỹ, Phùng Thập đều được cử làm Trùm trưởng Thanh bình giáo phường ty. Về sau nhiều con cháu lấy chồng họ Phan nên truyền nghề hát cho họ Phan. Tiếng hát Ả đào Hưng Nhân đã làm say đắm lòng người trong các buổi hát tại hội làng, xã, ở dinh thất các quan, ở nhà riêng các chứ sắc…Bài “ Vè Lân Biểu” còn kể lại chuyện cụ Biểu, một thủ lĩnh cuộc khởi nghãi năm Giáp tuất(1874) ở Kỳ Anh, đã say êm một cô đào ở Hưng Nhân mà quên cả việc lớn, đến nỗi bị đánh bại và bị giết. Đầu thế kỷ XX, Ã đào Hưng Nhân vẫn thịnh, nhiều người đàn hay, hát giỏi như ông trà, ông Phác, ông lê, o Thư, o Yến, o Khuyến, o Thao, o Huồn, o Đôn, o Đích…Phường không chỉ hát ở địa phương mà còn hát ở kinh đô Huế…Suốt năm phường đi hát khắp nơi, chỉ xuân thu nhị kỳ mới về quê làm lễ Tổ…

 

                                                     *****

 

Làng Hưng Nhân xưa không còn. Đất và người Hưng Nhân đã hòa nhập với xã Kỳ Hưng và Thị trấn Kỳ Anh.Nhưng không ai có thể quên một làng Hưng Nhân đã để lại một dấu ấn đậm trong lịch sử.

 

Đến nay, người ta vẫn nhắc chuyện ông Tổ Phạm Tiêm có công ”lấp Cửa Lỗ, Trổ Eo Bù”, chuyện các Ả đào họ Phùng, họ Phan… và cả chuyện” Đường cày ông Khổng Lồ” đời xửa đời xưa: “Ông Khổng Lồ dời núi, bắt cá, cày ruộng…để lại dấu vết bàn chân nhiều nơi trong huyện Kỳ Anh…Riêng trên đất Hưng Nhân, ông để lại đường cày mà dấu vết ngày nay còn lại là cái hố dài giữa cánh đồng làng…”. Người ta cũng không quên thắng tích Việt Tỉnh tuyền – giếng Vọt: Giếng Vọt không phải là giếng, cũng không phải là khe lộ thiên, mà là một suối ngầm, nước phun ra từ mé một ngọn đồi nhỏ. “ Một dải gò đống bằng phẳng, thung lũng rộng lớn, liên lạc với núi Hoành sơn, vách đá cheo leo, cây cối xanh tốt, từ trong kẽ đá chảy ra một dòng suối mát, trong sạch, thơm ngon. Dân địa phương lấy gỗ cây khoét rỗng làm máng hứng nước như máng mái nhà. Nước suối chảy ra tưới ruộng nên xanh tốt. Tương truyền ngày trước có một viên Đốc trấn cấm dân không được lấy nước suối ấy thì tự nhiên suối bế tắc lại, nước không chảy ra nữa. Sau khi nghe lời một tiên sĩ, giết trâu cúng thần và bãi lệnh cấm thì suối lại chảy ra như trước…”. “Nước ở Nghệ An có ba nơi được khen là giai phẩm: Một là sông La ở huyện La Sơn, hai là suối Việt Tỉnh ở huyện Kỳ Hoa, ba là khe Hau Hau ở núi Nam Giới, huyện Thạch Hà”.

 

Sách “ Nghệ An ký” của Bùi Dương lịch đã viết như vậy về Giếng Vọt xưa.

 

Sách “ Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú cũng viết: “ Suối Việt Đông ở bên tả trấn thành, ( Dinh Cầu – TKĐ chú), một dải sườn núi bằng phẳng, thung lũng rộng rãi, nối liền với dãy núi án ngự của trấn. Ở bên đó có núi đá đứng thẳng như vách, cây cối um tùm, trong khe đá chảy ra suối nước trong mát, ngon ngọt. Người biết thưởng thức vị nước, cho nước ấy ngon nhất ở Hoan Châu”.

 

Hoàng giáp Bùi Huy Bích, khi làm Hiệp trấn Nghệ An đóng ở Dinh Cầu, thường đến đây du ngoạn, có bài thơ vịnh, Thái Kim Đỉnh dịch:

 

“ Một phiến đá mé Hoành San,

Từ xưa, đệ nhất Châu Hoan, suối này.

Nghe róc rách dưới rừng cây,

Lâng lâng làn khói nhẹ bay mơ màng.

Đời đời dòng nước xuyên ngang,

Người qua nào thấy bóng Hằng Nga đâu.

Lòng trần lay tận đất sâu,

Đến đây tắm rửa sạch làu, nhẹ lâng.”

 

Trong thời kháng chiến chống Pháp, nước giếng Vọt vẫn chảy đều, chỉ một vũng nước mà không bao giờ cạn, thu hút nhiều người đến tham quan.

 

(Thái Kim Đỉnh hiệu chỉnh)


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 LÀNG GIA PHỔ (16h: 20-11-2010)
 Hội đồng hương Đức Thọ tại Vũng Tàu Đầu xuân (11h: 14-02-2011)
 Làng Nguyễn Xá (23h: 09-12-2010)
 Làng Chợ Cồ - Kỳ 2 (15h: 08-10-2010)
 Làng Chợ Cồ - Kỳ 1 (12h: 07-10-2010)
 TỤC NÉM ĐÁ Ở CÁT NGẠN (13h: 30-09-2010)
 Kẻ Hạ - Việt Yên Hạ - Kỳ 2 (16h: 28-09-2010)
 Kẻ Hạ - Việt Yên Hạ - Kỳ 1 (15h: 27-09-2010)
 Cửa Hội (00h: 24-09-2010)
 Núi Thiên Nhận (16h: 10-09-2010)