Bài và ảnh của Phlanhoa
•Thông điệp: Sự hùng biện
•Danh pháp khoa học: Nymphaeaceae
Nghe hoa súng bờ ao se sẽ nở
Da diết lòng hương dịu tự vườn cau...
( Thơ Lưu Quang Vũ)
Giữa mặt hồ yên tĩnh, dưới ánh trăng soi, làn gió đêm thi thoảng lay nhẹ, làm gợn sóng xao động, nhánh hoa đang ngủ trên mặt hồ yễn tĩnh rung rinh. Dù vậy, tiếng nhạc gió êm đềm quá, không đủ để đánh thức bông hoa, Súng vẫn khép mình giữa mơ màng canh khuya. Nếu bạn có thú dạo cảnh sáng trăng, chỉ nhìn hoa ngủ vô tư thôi, cũng cảm thấy lòng thanh thản biết bao nhiêu, bỗng ước ao mỗi đêm qua đi của đời thường, tâm hồn ta cũng được trôi vào giấc chiêm bao thanh thản như bông súng trên đầm nước trong trăng…
Chỉ đến khi bình minh gọi mời, bông súng mới vươn mình hé nở, mang theo cả những giọt sương tinh khôi để dâng hiến cho mặt trời.
Danh pháp khoa học của hoa súng là Nymphaeaceae, tên tiếng Anh của hoa súng không nhất quán, đôi khi người ta gọi theo danh pháp khoa học, đôi khi gọi là Water lily, riêng hoa súng màu lam xanh của Ấn độ lại được gọi là bông sen xanh (Blue lotus)
Ý nghĩa của hoa súng được gắn liền với sự tích người Ai Cập đã dâng tặng riêng hoa súng cho thần mặt trời – vị thần của sự hùng biện.
Hoa súng được gắn liền với dải băng trên đầu của ngài Osiris – một vị thần của Ai Cập. Trong đền thờ bách thần Hinđu cũng trong tư thế ngồi trên bông hoa súng. Đó là hình ảnh gợi nhớ tới truyền thuyết rằng xưa kia thế giới này đã sinh ra từ giữa dòng nước…
Khả năng tồn tại của hạt súng theo thời gian là rất dài, vào khoảng 2000 năm.Hiện nay trên thế giới có khoảng vài trăm giống hoa súng khác nhau, được phân thành hai dòng súng chịu rét và súng nhiệt đới. Súng chịu rét chỉ nở ban ngày, còn súng nhiệt đới thì nở cả ban đêm lẫn ban ngày.
Đối với một số nền văn hóa phương Tây thì nó là loài hoa biểu tượng của những người sinh vào tháng 7. Hoa súng trắng là quốc hoa của Bangladesh.
Thu mới vào thu đợt nắng hanh
Dịu dàng soi bóng nước long lanh
Bên hồ rớt lại vài bông súng
Áo tím khoe duyên gái thị thành
Thu mới vào thu đã hẹn hò
Tựu trường buổi ấy khởi nguyên do
Áo em màu tím như hoa súng
Màu áo ngây thơ tuổi học trò
Thu mới vào thu gợi sắc mầu
Áo vàng hoa cúc, đậm hoa ngâu
Tóc bồng theo gió như tơ liễu
Tuổi ngọc tròn trăng nở mộng đầu
Thu đã vào thu gió nhẹ đưa
Oi nồng cuối hạ thoảng như vừa
Đã tan biết hết nay nhường bước
Trao trả mùa thu ngọn gió thu
Khói lửa từng thu đỏ ráng chiều
Bên hồ hoa súng cũng đăm chiêu
Nhớ cô mặc áo mầu hoa súng
Chừng đã ven trời bước lãng phiễu?
(Bài thơ “Màu áo thu xưa – Vân Nương)
