Tìm kiếm
Trang chủ
Diễn đàn
An Tĩnh cổ lục
* Dấu tích Việt Thường Thị và vai trò Nghệ An trong dòng lịch sử Việt Nam
* Những điều kỳ lạ Phlanhoa đọc được trong trời đất Việt Thường
* Việt Thường phong tục
Ẩm thực Nghệ An - Hà Tĩnh
* Văn hóa ẩm thực Việt Nam
* Dưỡng sinh
* Phật giáo có nguồn gốc ở Việt Nam
Khảo cổ Nghệ Tĩnh
Bản sắc văn hóa Xứ Nghệ
Ví dặm
Góc nhìn Phlanhoa
Phòng văn chương
* Bình luận
* Phản biện các nghiên cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều
* Phlanhoa viết
Phòng thơ
* Lý thuyết học làm thơ
* Thơ về Nghệ An - Hà Tĩnh
* Thơ Phlanhoa
* Thất ngôn bát cú
Du lịch đó đây
* Khoảnh khắc cuộc sống
Ngôn ngữ không lời
Trang thông tin xã Đức La
* Phlanhoa hát
Liên hệ - Góp ý
Liên kết website
Làng Nguyễn Xá
 
(23h: 09-12-2010)
Bài viết của Nguyễn Vĩnh Trường – cuốn “Làng cổ Hà Tĩnh”

Làng Nguyễn Xá (còn có tên gọi là Tam Đình, làng Nguộn) bao gồm ba xóm 11, 12, 13 xã Song Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nằm phía tây núi Cài (Sạc Nhạc) giáp với các làng Trường Lưu (xã Trường Lộc), Sào Nam (xã Song Lộc), Mật Thiết (xã Kim Lộc) và Kiệt Thạch (xã Thanh Lộc). Không rõ tên làng Nguyễn Xá (làng của họ Nguyễn) có tự bao giờ. Theo Phượng dương Nguyễn Tông thế phả do Nguyễn Huy Tự (1743 – 1790) biên soạn năm Đinh Mùi (1787) có ghi rõ là con trưởng của Nguyễn Hàm Hằng là Nguyễn Thừa Cẩn – Thế hệ thứ ba của họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, là học trò trường Quốc Tử Giám (Giám sinh), lấy vợ người họ Nguyễn ở thôn Nguyễn Xá, xã Nguyệt Ao và sau chuyển về ở làng này.

Đến nay con cháu của Nguyễn Thừa Cẩn phát triển thành bốn chi họ: Nguyễn Huy ở Nguyễn Xá, Nguyễn Hữu ở xóm Giai xã Trường Lộc và hai chi họ Nguyễn Khắc ở làng Mật Thiết xã Kim Lộc; trong đó chi họ Nguyễn Huy ở làng Nguyễn Xá là đông nhất. Qua gia phả họ Nguyễn Huy ta biết, viễn tổ họ Nguyễn Huy là Nguyễn Uyên Hậu, đỗ khoa Ngũ Kinh bác sĩ đời Lê Thánh Tông dạy học ở Quốc Tử Giám, về vùng này lập nghiệp xây dựng làng Trường Lưu. Nguyễn Uyên Hậu sống cùng thời và là thông gia với Nguyễn Tâm Hoằng, người làng Vĩnh Gia, cùng tổng Lai Thạch. Nguyễn Tâm Hoằng sinh 1434, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1478), làm quan tới chức Tá lý công thần, Lễ bộ tả thị lang bộ lễ. Nguyễn Hàm Hằng là con trai của Nguyễn Uyên Hậu lấy con gái đầu của Nguyễn Tâm Hoằng, Nguyễn Hàm Hằng đỗ hương cống năm 15 tuổi, 16 tuổi dự kỳ thi Hội vào đến tam trường, làm đường thượng xá sinh, dạy học ở Quốc Tử Giám. Thời bấy giờ học trò ở Quốc Tử Giám là những người đã đỗ hương cống và con cháu quan lại, học tập để dự kỳ thi Hội. Con trai trưởng của Nguyễn Hàm Hằng là Nguyễn Thừa Cẩn, nhưng qua phả hệ, có thể xác định Nguyễn Thừa Cẩn sinh vào khoảng 1480 – 1500, như vậy làng Nguyễn Xá chắc chắn đã có từ trước thời gian này, tức vào đầu thế kỷ XV. Trong thời Lê – Mạc, đây là vùng hậu phương của nhà Lê – Trịnh, một số hậu duệ của Nguyễn Thừa Cẩn, do có quân công đã được phong tước hầu. Đời thứ 5 tính từ Nguyễn Thừa Cẩn (đời thứ 3 của họ Nguyễn Huy Trường Lưu) có Nguyễn Thị Chiêm lấy chồng người làng Mật sinh Nguyễn Hành, ông Hành đỗ tiến sĩ năm 1731 thời Lê.

 

Như vậy đến nay, làng Nguyễn Xá đã có bề dày lịch sử gần 600 năm. Đáng tiếc là chưa có tư liệu nào công bố về quá trình hình thành và phát triển của làng trong thời gian qua. Chi họ Nguyễn Huy ở đây đã biên dịch gia phả, qua tư liệu này phần nào thấy được sự phát triển của làng Nguyễn Xá. Ở Nguyễn Xá có nhiều gia phả của các họ khác chưa được biên dịch, chắc chắn có nhiều tư liệu về làng trong các bộ gia phả này. Hiện tại ở Nguyễn Xá có các họ Nguyễn Huy, Nguyễn Văn, Nguyễn Hữu, Nguyễn Bật, Ngô, Phan, Lê, Hoàng, Hồ, Võ, Trần Trí, Trần vv…nhưng chủ yếu là các họ Nguyễn Xuân, Nguyễn Huy, Nguyễn Văn, còn các họ khác số lượng ít, thậm chí có họ chỉ có vài gia đình.

 

Cho đến khoa thi Hán học cuối cùng dưới triều Nguyễn năm 1919, làng Nguyễn Xá chưa có ai đỗ đại khoa, một số chỉ đỗ tú tài. Trong dòng họ Nguyễn Huy ở đây có tới 8 người đỗ hiệu sinh (hiệu sinh thời Lê tương đương tú tài thời Nguyễn) vào các đời thứ 5 thứ 8 và thứ 9. Họ Nguyễn Xuân có người đỗ hai khoa tú tài (cố Kép). Những năm đầu thế kỷ 20 cho tới trước Cách mạng, làng có nhiều người theo học chữ quốc ngữ. Thời gian này Nguyễn Xá là làng có nhiều người đỗ đạt khá cao và đi làm công chức so với các làng khác trong vùng, một số người làm thừa lại, thông phán, thầy giáo như các ông Thừa Minh, Phán Liên, Phán Khươm, Giáo Hảo, Giáo Túc, Hàn Tài.

 

Sau Cách mạng, hầu hết con em trong làng đều được học hành, nhiều người từ Nguyễn Xá ra Hà Nội học và một số đã đạt được học vị cao: hai tiến sĩ (Nguyễn Tự Cường, Nguyễn Huy Mỹ), 5 phó tiến sĩ (Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn An Lương, Nguyễn Cự Đống, Nguyễn Hùng Sơn, Nguyễn Xuân Dương). Hầu hết số trẻ em trong tuổi học đều đến trường, làng có số lượng sinh viên đại học khá cao.

 

Trước đây có lẽ vì không có người đỗ đại khoa nên làng Nguyễn Xá không có đình, đền, chùa, nhà thờ lớn như các làng Trường Lưu, Vĩnh Gia, Kiệt Thạch ở xung quanh. Một số chứng tích văn hóa chính của làng còn đến ngày này là các nhà thờ và một số câu đối chữ Hán, nôm của các dòng họ Nguyễn Xuân, Nguyễn Huy vv…Gia phả của các dòng họ đều được lưu đến ngày nay, nhưng chưa được biên dịch cẩn thận. Trước đây vào ngày hội họp hoặc ngày lễ, dân làng thường tập trung ở một nhà nhỏ (gọi là hội quán), bên cạnh cây đa Đồng Cồn ở kho hợp tác xã (nay hội quán và cây đa đều không còn). Làng có nhiều truyện kể, thơ văn truyền miệng gắn liền với các địa danh: Cồn Nấp, giếng Đồng Lềnh, giếng Bò xa, với một số nhân vật truyền thuyết như Ngô Bát Ngạo, Cố Bợ vv…nhưng chưa được sưu tập in ấn.

 

Mặc dù là một làng nghèo, chủ yếu dựa vào nghề nông và làm vườn, nhưng với truyền thống học hành và con người của mình, làng Nguyễn Xá là làng có nhiều tiềm năng to lớn…

 


Để gửi ý kiến nhấp vào đây

Các tin khác:
 Làng Chợ Cồ - Kỳ 2 (15h: 08-10-2010)
 Làng Chợ Cồ - Kỳ 1 (12h: 07-10-2010)
 TỤC NÉM ĐÁ Ở CÁT NGẠN (13h: 30-09-2010)
 Kẻ Hạ - Việt Yên Hạ - Kỳ 2 (16h: 28-09-2010)
 Kẻ Hạ - Việt Yên Hạ - Kỳ 1 (15h: 27-09-2010)
 Cửa Hội (00h: 24-09-2010)
 Núi Thiên Nhận (16h: 10-09-2010)
 LÀNG ĐÓNG THUYỀN TRƯỜNG XUÂN (11h: 07-09-2010)
 HUYỀN THOẠI DÒNG SÔNG LAM – Phlanhoa (13h: 06-09-2010)
 PHÚC GIANG THƯ VIỆN - CÁI NÔI VĂN HÓA XỨ NGHỆ (12h: 02-09-2010)