Kho tàng truyện dân gian Hà Tĩnh
Có lần cố Bờ Ao lang thang ra Xứ Thanh, lúc đi qua một ngôi làng, thấy có hội họp, cố rao to:
- Đất ba năm phát mả trạng nguyên, có ai muốn tôi chỉ cho không ?
Dân làng nghĩ ông đùa, bèn chỉ vào anh mõ làng và nói :
- Đây, có Mõ đang mơ làm trạng nguyên đây!
Mõ hoảng hốt chối đây đẩy:
- Xin ông đừng nghe dân làng đùa cợt, chớ tôi văn dốt vũ dát dám đâu mà mơ trang nguyên.
Nhưng cố Bờ Ao ngắm Mõ một lúc rồi nói:
- Ta xem tướng mạo anh cũng tốt phước, chỉ cần thành tâm và nghe theo những gì ta dặn thì được. Rồi cố Bờ ao dặn mõ mấy điều như sau:
Một là trong ba năm tới phải chuyên tâm dùi mài kinh sử;
Hai là khi nào nhìn thấy con chó đá đầu đình hộc máu thì nộp quyển ứng thi;
Ba là khi đi thi nhất thiết phải mang theo thuốc trị nhức đầu và đau bụng, hễ có ai đau bụng đau đầu thi cho người ta làm phước;
Bốn là khi thi hương thì lận theo mấy cặp vỏ hến, còn vào thi đinh thi nhớ gì viết nấy.
Mõ vốn thật thà nên răm rắp nghe theo lời dặn của cố Bờ Ao. Nhưng trí thông minh có hạn nên anh đi học theo kiểu thuộc lòng.
Trong làng có anh mổ lợn vốn tính tinh nghịch hay đùa, thấy Mõ chăm chỉ miệt mài đèn sách, bèn lấy tiết lợn bôi vào mõm chó đá rồi về hô hoán cho Mõ ra xem. Mõ nhìn thấy tưởng thật, bèn vội vàng nộp quyển ứng thi. Và tất nhiên là không quên mang theo thuốc trị đau đầu thổ tả cũng như vỏ hến theo lời dặn của cố Bờ Ao.
Khi vào thi hương, trong lúc đang luỳnh quýnh không biết làm bài thế nào thì có người bỗng nhiên ôm bụng lăn lộn trong lều. Mõ bèn cho thuốc vào cặp vỏ hến rồi ném sang cho anh này. Để đền ơn người cứu giúp, anh này vò bản nháp nhét lại vào vỏ hến ném sang cho Mõ, thế là Mõ đỗ thi hương lần đó.
Đến thi đinh, ngồi vào lều xong thì Mõ chợt nhớ ra lời dặn “nhớ gì viết nấy” của cố Bờ Ao, thế là Mõ chép nguyên một quyển truyện Nôm vào trong bài thi rồi đem nộp. Giám khảo đọc xong rồi truyền nhau bò lăn ra cười. Chuyện bị lính thể sát tâu đến tai vua, vua đòi đem quyển thi lên ngự lâm, lúc đó các giám khảo mới tá hỏa nghĩ tới hậu hoạ. Nếu đem bài thi của Mõ lên nộp thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi tội chọn người không chuẩn. Các giám khảo bèn bàn nhau làm một bài khác thay vào. Vua đọc xong thì nức nở khen, rốt cuộc Mõ đỗ trạng nguyên kỳ thi năm đó.
Huyệt trâu ngủ
Một lần khác, dọc trên đường đi về nhà, cố Bờ Ao gặp một đám ma. Vốn tò mò nghề nghiệp nên cố theo đám ma đến tận nơi đào huyệt. Cố hỏi người điểm huyệt :
- Đây là thế đất gì ?
- Huyệt ngưu miên (trâu ngủ) – thầy địa lý trả lời.
- Trâu đực hay trâu cái?
Thầy địa lý nghĩ cố đang đùa dỡn nên không đáp lời. Nhưng cố Bờ Ao nói tiếp :
- Huyệt ngưu miên thì đúng rồi, nhưng đó là con trâu đực, có huyệt con trâu cái ở phía đối diện bên kia nữa kìa, nếu không thiến con trâu đực này đi thì ba năm nữa, con trâu này đến kỳ động cỡn, sẽ hướng sang con trâu cái bên kia, con cháu trong dòng tộc sẽ bị phát điên .
Gia đình lúc đầu nghĩ cố Bờ Ao đùa nên đuổi đi vì cho rằng cố đùa không đúng chỗ, nhưng khi cố quay đi thì người nhà lại đâm ra lo lắng nửa tin nửa ngờ bèn cho gọi cố quay lại, thầy địa lý địa phương hỏi cố:
- Thế ông thiến con trâu đực bằng cách nào? Ông có làm được không? Nếu ông làm được thì tôi xin chia một nửa số tiền công của tôi cho ông.
- Tôi làm được.
Cố Bờ Ao trả lời, rồi đề nghị tạm hoãn giờ hạ huyệt và yêu cầu gia đình kiếm về ba cây gỗ, huy động 180 người mạnh khỏe trong làng ra trợ giúp. Cố chỉ :
- Đây là cổ con trâu, đây là hai chân trước, còn đây là hai chân sau, mỗi vị trí đặt ngang một thanh gỗ và 60 người ngồi đè lên giữ chặt thanh gỗ.
Rồi cố lại chỉ :
- Đây là nơi dương vật của con trâu, đào sâu xuống mười thước mới thiến được nó.
Gia đình tuy nửa tin nửa ngờ nhưng vì lo sợ nên vẫn cố gắng đào. Đến gần độ sâu mười thước, đất bỗng rung chuyển ầm ầm làm cả đám tang kinh sợ. Ngay lúc đó, người đào đào trúng phải hai hòn đá bạch trắng tròn như hai viên cao hoàn của con trâu. Đến lúc đó mọi người mới lắc đầu lè lưỡi bái phục cố Bờ Ao, nhưng cố không nói gì, lẳng lặng bỏ đi.