Bài viết của Phlanhoa
Tôi nhớ, ngày đầu tiên tới trường của tôi không do “mẹ dắt tay” như bao đứa trẻ khác. Không phải vì mẹ đi vắng hay lý do gì quan trọng nào khác cả, mà lý do đơn giản hơn nhiều.
Ngày đó là chiến tranh, máy bay địch oanh tạc ngày đêm , nên tính mạng con người sống chết chỉ trong gang tấc. Mẹ tôi dặn anh tôi là đi đâu phải dắt em theo cho có anh có em, nhỡ có chuyện gì thì còn có đứa nọ biết đứa kia. Đó là lý do tôi lẽo đẽo theo anh tôi vào lớp học vỡ lòng.
Ngày đầu tiên đó, tôi ôm theo một con cún. Anh tôi dặn chỉ được chơi ngoài lũy, không được vào trong lớp. Lũy ở đây là bờ lũy bằng đất bao quanh lán học để phòng tránh mảnh bom cắt khi có bom nổ. Tôi vâng lời và ngồi nghịch cát với con cún. Nhưng thầy đã nhìn thấy, thầy nói với cả lớp chờ thầy một lát, rồi thầy ra xốc nách tôi đứng dậy, phủi cát trên áo quần và bế vào đặt tôi ngồi ở chỗ bàn trống cuối cùng trong lớp, rồi thầy hỏi cả lớp:
- Ai có lúa trắt (lúa rang) cho thầy xin một nạm?
Con cún và tôi nghe lời thầy, ngồi trật tự ở bàn học cuối cùng nhằn lúa trắt chờ cho tới giờ ra chơi của anh. Lúc bấy giờ thầy mới có thời gian rảnh để quay lại chỗ tôi, không quên mang theo giấy, và bút chì. Thầy viết lên giấy ba chữ “o, ô, ơ”. Bế tôi ngồi vào lòng và cầm tay tôi đồ theo con chữ thầy vừa mới viết. Và bạn cũng đoán được đoạn kết câu chuyện rồi phải không ? Ba chữ đầu tiên trong đời tôi đã học trong hoàn cảnh như vậy đấy. Chưa hết đâu, cuối buổi tôi còn được thầy cõng về nhà với mẹ, còn con cún thì…ngồi trong túi áo ba ba của thầy về cùng.
Người thầy đầu tiên trong đời tôi chỉ dạy tôi đúng một buổi với ba chữ “o, ô, ơ”, vậy mà không hiểu sao nỗi nhớ nó cứ tròn trịa mãi trong tâm tưởng cho đến bây giờ…
Ngày đầu tiên đi học của con trai tôi cũng không do “mẹ dắt tay đến trường”. Và cũng không có lý do gì đặc biệt như là do mẹ đi vắng hay mẹ không quan tâm vân vân.
Đứa con của tôi lúc bấy giờ rất xinh đẹp và bụ bẫm. Tôi lại không có tư tưởng nuôi con theo kiểu nhốt lại vì sợ bẩn hay sợ ốm. Nên nó thường được những đứa anh con nhà hàng xóm cõng đi chơi nhong nhong đâu đó. Rồi một hôm, chúng nó lang thang chơi quanh một lớp học mầm non của một nhà máy gần nhà tôi. Thằng bé đã ngồi bệt ngoài cửa lớp học để say sưa đánh vần theo cô giáo dạy trong lớp. Và cũng như thầy tôi ngày trước, cô giáo đã nhìn thấy và dắt tay con tôi vào lớp. Cuối buổi cô dắt con tôi về nhà đề nghị tôi viết một tờ đơn xin học, gửi công đoàn nhà máy để nhập học cho con. Từ đó, mỗi ngày con tôi đứng đón ngõ để chờ cô giáo đi qua, cùng theo cô đến lớp. Nó gần như rất thích thú với việc chờ đợi cô giáo của mình mỗi sáng và tôi cũng mỗi sáng lại cảm thấy tràn ngập hạnh phúc khi con mình nói như reo “con chào cô ạ !”
*****
Ngày đầu tiên đó của tôi với con tôi, ân tình thầy trò có vẻ như không giống với bây giờ. Vì đâu tình thầy trò xưa lại khác nay làm vậy?
Tôi không là người có tư tưởng phong kiến, quan niệm theo kiểu thầy là phải hoàn hảo. Đơn giản thì thầy cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt chứ không phải thánh thần, nên cảm xúc có thể không kìm chế đôi lúc, có thể cũng gây ra lỗi lầm.
Nhưng như thế không có nghĩa là không có đánh giá gì về tư cách người thầy. Lý giải đơn giản nhất và dễ hiểu nhất là câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”. Đặc biệt người thầy thì tấm lòng rất cần hơn so với người bình thường, bởi nghiệp thầy nắm trong tay tâm hồn của nhân loại. Để gột rửa cho tâm hồn con người trong sáng, thứ duy nhất có thể là lấy tấm lòng chân thành làm thang.
Vậy tấm lòng chân thành là gì ? Là biết nói lời xin lỗi lúc sai. Mỗi khi cái sai được tấm lòng tự nguyện phô trương ra ngoài, giá trị của nó không chỉ ở làm cho chính tấm lòng thanh thản, mà còn hóa giải được hận thù chất chứa trong tâm hồn.
Nhưng xót đau thay, gần đây trên báo rùm beng có vụ việc thầy hiếp dâm trò. Vụ việc mà chỉ cần vài ba câu hỏi thôi là đủ để dư luận đẩy thầy đến với bờ vực của sự căm phẫn xã hội:
- Tại sao đang trong các tiết học của trò, thầy lại cứ gọi trò lên để pha trà rửa ấm chén? Để đến nỗi trò phải uống thuốc tự tử?
- Tại sao thầy nói biết trò yêu mình, mà không có biện pháp xa lánh, ngược lại còn rủ trò đi Karaoke?
- Tại sao bạn của thầy cũng là thầy cơ mà lại phải ngại gặp báo chí, trong khi thầy thì cố gắng cậy báo chí để thanh minh? Giải nghĩa hành động này là gì?
- Thầy nghi ngờ có kẻ hại mình, liệu có phải kẻ đó cũng là người làm thầy?
Thiên hạ có kẻ ngu, nhưng cũng không ít người thông minh. Dó đó, để hóa giải được sự làn sóng căm phẫn, chỉ có tấm lòng chân thành của thầy mà thôi. Nếu có lỗi thì hãy động viên nhau dũng cảm nhận lỗi và chấp thuận cú ngã để còn cơ hội đứng lên. Nếu là thực sự oan gia thì hà cớ phải sốt sắng lắm lời. Báo đăng tin dữ thì cũng sẽ đăng lại tin lành để cải chính được mà, lo chi...
Tôi thực sự xin lỗi tới những người làm thầy, đưa bài viết đầy buồn thương này lên website khi chỉ còn mấy tiếng nữa là đến ngày Hiến chương các nhà giáo. Nhưng quả thật, từ những việc như: bằng thật trình độ giả, cô ném trò như bịch rác vào thang máy, hay thầy trò cùng loạn luân… các vị đang làm cho xã hội nhức nhối bởi những việc làm vô cùng tồi tệ, để lại hậu quả lớn lao khôn lường không chỉ về đạo đức, mà còn là cả sư đình trệ của tiến bộ xã hội…
Cảo thơm lần dở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh…