
...
Để kết thúc bài Dẫn nhập quá dài này, tôi xin nói: "Người ta chắc chắn sẽ tìm ra trong quyển sách này những sai lầm: Chúng tôi mong được các bạn chứng minh. Quyển sách này sẽ khêu gợi những lời phê bình. Chúng tôi sẽ xem xét những lời đó một cách thiện chí. Người ta sẽ chỉ ra những thiếu sót: Nhưng đề tài là bao la". (édouard Herriot: - Sáng tạo).
...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
DẪN NHẬP
(tiếp theo và hết)
Chúng ta còn chưa biết gì nhiều về lịch sử tổng quát của nước Đại Việt, hiện nay chưa có thể bắt đầu trong đại thể công việc nghiên cứu lịch sử hình thành của dân tộc An Nam, dù chỉ là trên một giai đoạn trước thế kỷ XI, và nhất là những nguồn gốc của dân tộc ấy. Tất cả những gì người ta có thể làm được là những công trình tổng hợp có tính chất địa phương và bộ phận, như công trình tôi xin trình bày ở đây và công trình mà tôi đang chuẩn bị về đất cổ An-Tĩnh, cả hai một ngày kia, sẽ chung đúc vào trong một bản tổng hợp chung bao gồm cả nước Đại Việt (Trung, Bắc và Đàng Trong). Cần phải theo phương pháp địa phương trước khi có thể thảo ra lịch sử An Nam theo mẫu mực của các bậc thầy viết về lịch sử nước Pháp. Còn về những tổng hợp địa phương, công trình kiểu mẫu có thể nêu ra đây là tác phẩm bậc thầy của vị Chủ biên Tập san chúng ta, ông L. Cadière: "Thành Đồng Hới. Nghiên cứu về sự kiến lập của nhà Nguyễn ở Đàng Trong" (Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ, quyển VI, 1906, trang 87-254). Tập địa phương chí này cho chúng ta thấy, phải sử dụng như thế nào những tư liệu liên hệ đến một miền lịch sử quan trọng.
Về vấn đề "chủ nghĩa địa phương", "Hội Đô thành hiếu cổ" hiện làm thành một trường phái thật sự có thể làm mẫu mực cho tất cả những Hội Bác học khác ở Đông Dương.
Và khoa Sử học, khoa học được trang điểm bằng một chữ hoa lớn, không thể không chú ý đến vô số những tư liệu đã được công bố trong Tập san chúng ta từ 1913.
***
Dưới đây là ba thiên tiếp theo:
· Thiên I. Tiền sử.
· Thiên II. Những danh lam thắng tích lịch sử hay truyền thuyết.
· Thiên III. Những danh nhân.
Tôi tập hợp lại tất cả những vấn đề phụ, mặc dầu có tầm quan trọng lớn, để bổ sung cho chủ đề chính và soi sáng từ tất cả những phía cần thiết. Chủ đề chính đó là Lịch sử tổng quát đất An-Tĩnh sẽ ra mắt năm 1937. Ngay hai số Tập san số 3 năm 1934 và số 12 năm 1935 đã cho phép tôi tập hợp lại dưới mục "Tạp lục" một số những điều tìm tòi về nhiều vấn đề địa phương khác nhau, và nhất là làm sáng tỏ những điều bí ẩn chưa được giải đáp. Thông qua căn bản của công trình nghiên cứu, sự tổng hợp lịch sử về An-Tĩnh sẽ được chứng minh một cách rõ ràng hơn, từ những ràng buộc của các vấn đề phụ. Quan điểm này phục vụ đắc lực cho chủ đề hơn phương pháp nào khác: không những nó hiện ra dưới dạng tổng hợp hơn, mà nó có thể coi như là một sự rút gọn lại của một câu chuyện quá rườm rà ở trong đó người đọc dễ lạc đường, và cuối cùng nó tránh cho ta những chú giải chồng chất ở cuối trang sách, gây trở ngại cho sự liên tục của câu chuyện, làm người đọc bỏ rơi mất ý chính và làm cho sự chú ý của họ bị tản mạn.
Để kết thúc bài Dẫn nhập quá dài này, tôi xin nói: "Người ta chắc chắn sẽ tìm ra trong quyển sách này những sai lầm: Chúng tôi mong được các bạn chứng minh. Quyển sách này sẽ khêu gợi những lời phê bình. Chúng tôi sẽ xem xét những lời đó một cách thiện chí. Người ta sẽ chỉ ra những thiếu sót: Nhưng đề tài là bao la". (édouard Herriot: - Sáng tạo).
----------------------
(1) Bạn đọc hiện nay có thể tham khảo sách Thủy kinh chú sớ của Lịch Đạo Nguyên chú và Dương Thủ Kính, Hùng Hội Trinh sớ do Nguyễn Bá Mão dịch vừa mới được Nhà xuất bản Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản quí I-2005.
(2) Tức Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) những năm 30 thế kỷ XX, từng du học ở Pháp, tốt nghiệp Kỹ sư Cầu đường năm 1934, tốt nghiệp Thạc sĩ Toán học năm 1936.
Hết phần dẫn nhập