
Có những danh lam và thắng tích của An-Tĩnh xưa nhắc lại các thời kỳ đô hộ của người Trung Quốc. Vả chăng muốn làm sống lại thời thượng cổ của Đại Việt (An Nam), cần phải tra cứu các sử biên niên của Trung Quốc...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
THIÊN II:
NHỮNG DANH LAM THẮNG TÍCH CÓ TÍNH CHẤT TRUYỀN KỲ
HOẶC LỊCH SỬ CỦA AN – TĨNH XƯA
Có những danh lam và thắng tích của An-Tĩnh xưa nhắc lại các thời kỳ đô hộ của người Trung Quốc. Vả chăng muốn làm sống lại thời thượng cổ của Đại Việt (An Nam), cần phải tra cứu các sử biên niên của Trung Quốc. Chính nhiều nhà sử học An Nam đầu tiên cũng chỉ chép các biên niên sử ấy về các thời kỳ trước thế kỷ XI. Và vì thế cho nên, đối với thời kỳ cổ đại, tốt nhất nên lồng lịch sử của Đại Việt vào trong khung của lịch sử Trung Quốc, hơn là làm thành hai quá khứ riêng biệt, bởi vì nếu không như vậy thì người ta sẽ không hiểu mối liên quan rất chặt chẽ cần phải xác lập giữa các thời kỳ độc lập của nước Đại Việt và các thời kỳ loạn lạc ở Trung Quốc (Trung Nguyên). Như vậy việc nghiên cứu các danh lam và thắng tích của An-Tĩnh xưa có thể được chia ra thành hai chương riêng biệt. Một chương thì khớp với các thời kỳ đô hộ của người Trung Quốc và một chương khớp với các thời kỳ độc lập của Đại Việt (thực tế là thời kỳ thuần phục Trung Quốc).
Còn đối với những nơi phát tích của giống người An Nam [1] và thời điểm chính xác mà dòng giống này xâm nhập vào Đàng Ngoài rồi mở rộng địa bàn về phía Nam, tại Bắc Trung Kỳ, hiện nay chúng ta chưa có cơ sở để phán đoán một cách chắc chắn, mặc dầu trường Viễn Đông Bác Cổ đã có một số công trình nghiên cứu xuất sắc.
Tại Bắc Trung Kỳ, sau những lớp người của thời tiền sử, có lẽ những cư dân đầu tiên trên đất này thuộc dòng giống người Chăm, điều mà phần đầu tiểu luận của tôi về "Những nhóm dân tộc thiểu số gốc Chăm" (Ilots ethniques d’origine Cham) [15] đã có ý chứng minh, tôi sẽ có dịp phác lại lịch sử của một số danh lam thắng tích mang dấu vết Chăm.
Sau cùng, chỉ nên bắt tay vào nghiên cứu lịch sử đầy truyền thuyết của dân tộc An Nam trong những thời kỳ đầu tiên với rất nhiều hoài nghi và coi nó như là một thiên nói về phong tục học hơn là lịch sử.
Nhưng lập trường trung tâm chi phối toàn bộ phần còn lại mà chúng ta cần phải bám lấy, cũng là chỗ mà chúng ta còn phải trở lại nhiều, là nước An Nam là một phần khăng khít của toàn bộ Trung Quốc suốt trong thời gian dài của nhiều thế kỷ. Những thời kỳ vùng dậy của dân tộc An Nam cũng không phá bỏ được định đề ấy, mà ngược lại, có thể làm chỗ dựa thêm cho định đề.
Đã nhiều phen, cho đến thế kỷ XI, nước Đại Việt phải khuất phục dưới ách đô hộ của Trung Quốc. Sau một cuộc hưu chiến bốn trăm năm - thời kỳ này nước Đại Việt do các triều vua lớn của dân tộc mình cai quản: nhà Hậu Lý (1010- 1225), nhà Trần (1225-1414) và nhà Hồ (1400-1407), - một lần nữa Trung Quốc lại xâm chiếm An Nam. Rồi Lê Lợi xuất hiện, sau "cuộc chiến đấu mười năm" (1418-1428), ông đã đánh đuổi được quân của Trung Quốc ra khỏi lãnh thổ Đại Việt và lập nên Vương triều nhà Hậu Lê (1428-1778). Từ đó trở đi, nước An Nam chỉ quan hệ với Trung Quốc ở địa vị chư hầu.
Vì tất cả những nhận xét đó, và để cho sáng rõ lịch sử những danh lam thắng tích của An-Tĩnh xưa, tôi cần phải rút ra từ các sử biên niên của Trung Quốc một bài "lịch sử khái yếu" giản lược nhất, trong đó những đoạn thuộc về An Nam sẽ được nhấn mạnh. Phần khái yếu ấy biên soạn theo H.Cordier [5] dừng lại ở thế kỷ XV nhưng chúng ta sẽ phải bổ sung cho đầy đủ bằng các tư liệu do biên niên sử An Nam cung cấp và nhất là những đóng góp mà các nguồn tư liệu của địa phương về lịch sử An-Tĩnh đã cung cấp cho chúng ta. Vậy thì chúng ta sẽ làm cái công việc đem nối thời quá khứ của An Nam với thời quá khứ của Trung Quốc, từ những thời kỳ xưa cho đến thế kỷ XV. Chúng ta sẽ lấy tên hiệu của các triều vua quan trọng và các thời kỳ đặc sắc nhất của lịch sử Trung Quốc để làm tiểu mục.
Còn đối với nước An Nam, lịch sử chỉ bắt đầu ít nhiều xác thực kể từ thế kỷ III trước Công nguyên và cái thắng địa xưa nhất mà chúng ta sẽ nghiên cứu ở vùng An-Tĩnh thì cũng có từ thế kỷ này. Phần khái yếu của chúng tôi về lịch sử Trung Quốc cũng chỉ bắt đầu từ triều nhà Tần.
Tần. - Vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, bẩy tù trưởng chia sẻ đất đai của nhà Chu. Doanh Chính là tù trưởng của nhà Tần thôn tính hết các bộ tộc kia (năm 222 trước Công nguyên). Chính chia cả lãnh thổ bao la ấy ra thành ba sáu quận và xưng Hoàng đế tối cao đầu tiên mà lịch sử đã ghi tên tuổi. Để đảm bảo cho cái hào quang của đời vua mình được vững chãi mà lịch sử của đất nước phải bắt đầu từ đấy thì cần phải xoá hết tất cả những vết tích của quá khứ, cho nên năm 213, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh cho tiêu hủy hết sách sử, đặc biệt là Kinh Thi và Kinh Thư của Khổng Tử. Ông ta đã cho đắp tiếp Vạn lý Trường thành vào năm 215 trước Công nguyên. ở phía Nam, Tần Thủy Hoàng xâm chiếm luôn nước An Nam, khi đó có tên là Giao Chỉ, gồm có Đàng Ngoài và Bắc Trung Kỳ ngày nay.
Năm 210 thì y chết, con trai là Nhị Thế Hoàng đế lên ngôi trị vì được ba năm, nhân dân nổi dậy vì y tàn bạo và y đã bị ám sát.
Hán. - Qua thời kỳ rối ren hỗn loạn sau khi Nhị Thế Hoàng đế sụp đổ, chúng ta thấy nổi lên hai mươi Vương quốc, có ba Vương quốc lớn. Thủ lĩnh nhà Hán là Lưu Bang lên ngôi Hoàng đế năm 202, tiêu diệt các loạn quân và lập ra nhà Hán. Lưu Bang mất năm 195. Hoàng đế thứ sáu của triều này là Võ Đế, làm vua trong một thời gian dài. Đây là thời kỳ cường thịnh nhất của lịch sử Trung Quốc về mặt đối nội cũng như về mặt mở rộng thanh thế ra nước ngoài. Người ta có thể nói rằng chính từ thời kỳ này, quốc gia Trung Quốc mới được thành lập và cũng từ lúc Võ Đế lên ngôi thì thực sự Trung Quốc mới bắt đầu có những quan hệ với các nước ngoài. Một trong những võ tướng của Võ Đế là Trương Khiên mưu đồ một chuyến đi kéo dài trong vòng 12 năm (138-126). Trương Khiên đã biết được các xứ sở ở phía Bắc và phía Tây Vạn Lý Trường Thành. Chuyến đi này đã đem lại những kết quả lớn lao: trước tiên Võ Đế tìm cách để mở một con đường sang phía Tây đi qua các bộ tộc Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Tạng. Mặt khác, Trương Khiên đã nhận thấy ở miền Oxus có các loại tre và vải từ Vân Nam và Tứ Xuyên chở tới bằng con đường ấn Độ và đường Afghanistan. Y lấy làm thích thú và muốn bằng con đường đó đi qua Phương Tây.
Một trong những kết quả về chuyến đi của Trương Khiên và của việc tìm kiếm một con đường đi về Phương Nam là việc chinh phục đất Giao Chỉ (Giao Chỉ gồm có Đàng Ngoài và Bắc Trung Kỳ), đất này bị sáp nhập vào Trung Quốc dưới thời nhà Hán (từ năm 111 trước Công nguyên đến năm 39 sau Công nguyên và từ năm 42 đến năm 186) và chia ra làm 3 quận: Giao Chỉ tức là Đàng Ngoài ngày nay, Cửu Chân tức là Thanh Hóa ngày nay và Nhật Nam tức là Nghệ An ngày nay.
Võ Đế chết năm 87 trước Công nguyên, làm vua được 54 năm.
Năm thứ chín trước Công nguyên, Vương Mãng tiếm ngôi nhưng năm 33 thì bị giết.
Qua các văn bản La tinh và văn bản Trung Quốc, chúng ta biết được thời đó có sự thông thương với nước ngoài bằng con đường biển giữa các nước Viễn Đông và Vương quốc La Mã Phương Đông. Năm 120, các nhạc công và những người làm trò múa rối từ Tatsin hay Foulin (đế quốc La Mã Phương Đông) đến Miến Điện. Năm 166, dưới triều Hoàng đế nhà Hán, một phái bộ do Hoàng đế An Đông (tức Marc Aurèle) phái đến Trung Quốc. Cầm đầu phái bộ ấy là một nhà buôn Xiri, họ đi qua Nhật Nam (tức là Nghệ An ngày nay) để tới Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ hai, Ptolémée cho chúng ta biết các nước ở về cực Đông của châu á: người Sinaie ở phía Đông ấn Độ, sông Hằng và các nước thuộc miền Sérique(1).
Các tác giả Latinh đã có nói đến giống người Séres, dân tộc này bán lụa cho La Mã. Chúng ta biết được "con đường tơ lụa" là nhờ những tin tức do các thương nhân người Maxêđoan cung cấp. Tam Quốc. - Nhà Hán không biết duy trì được sự thống nhất của lãnh thổ Trung Quốc. Đến thế kỷ thứ III, Trung Quốc bị cắt ra làm ba Vương quốc (người An Nam gọi là Tam Quốc). Đây là một thời kỳ loạn lạc nổi tiếng trong các biên niên sử và trong văn học Trung Quốc, dưới cái tên "Thời Tam Quốc". Như vậy là ba Vương triều được thành lập:
1. Nhà Hán của nước Thục (Tứ Xuyên ngày nay) đặt kinh đô ở Thành Đô (Thành Đô kinh), Vương triều này chỉ tồn tại được 43 năm (221-263).
2. Nhà Ngụy (221-265) trị vì ở miền Bắc Trung Quốc và đặt kinh đô ở Hồ Nam ngày nay.
3. Nhà Ngô (222-281) chiếm lĩnh miền Nam Trung Quốc với kinh đô là Kiến Nghiệp (ngày nay là Nan King, người An Nam gọi là Nam Kinh, kinh đô của miền Nam).
Thủ lĩnh nhà Hán là Lưu Bị được sự phù trợ của Quan Công (về sau trở thành thần của chiến tranh - người An Nam gọi là Quan Đế) và có danh tướng là Gia Cát Lượng. Con trai và là người nối ngôi của Hậu Chủ bị Ngụy cướp ngôi năm 263; nhà Tấn tiêu diệt nhì Ngụy năm 265 và nhà Ngô năm 281.
Tấn. - Nhà Tây Tấn, nghĩa là "nhà Tấn ở Phương Tây"(để phân biệt với nhà Tấn đã trị vì vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên), tồn tại được 52 năm. Có tất cả ba kinh đô, hãy nhắc lại đây tên của kinh đô cuối cùng tức là Nam Kinh bây giờ. Từ năm 317 trở đi, người ta gọi triều vua này là Đông Tấn, nghĩa là nhà Tấn ở Phương Đông, tồn tại cho đến năm 420, đúng thời kỳ này thì bị Lưu Dụ lật đổ. Lưu Dụ lấy hiệu là Võ Đế, lập ra triều nhà Tống (420-479) ở Nam Kinh.
Còn nữa...