
Diễn có nghĩa là “nước chảy dưới đất”. Từ ngữ hoàn toàn đúng đắn này bao hàm một khái niệm quan trọng cần phải nhớ là nó truyền thụ cho ta cái nhận thức trực giác...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
Thiên 2:
Chương I : Xứ Diễn Châu
(Từ trang 73 – 78)
Diễn có nghĩa là “nước chảy dưới đất”. Từ ngữ hoàn toàn đúng đắn này bao hàm một khái niệm quan trọng cần phải nhớ là nó truyền thụ cho ta cái nhận thức trực giác: một lớp nước hiện lưu hành trên nền của đất sét đen; phần đất sét đen này quyết định chất đất của đáy đầm phá, nay đã tạo thành lớp trên địa tầng của tất cả mọi đồng bằng duyên hải. Chính lớp nước đó chảy dưới đất từ An-Tĩnh cho đến Quy Nhơn, đã cung cấp nước cho các giếng ở chỗ tiếp cận của tầng đất và lớp đất dưới, và lớp có nước này trung bình thường thường là nằm ở cao điểm 1 trên 0 của các địa đồ (xem Hình LXV) [16, 17 và 18].
Cái mà người ta gọi là con sông đào của Bắc Trung Kỳ thực tế chỉ là một đường đi của nước tự nhiên được cấu thành bằng sự tụ hội các lạch của nước thủy triều song song với đường đi hiện nay của bờ biển. Lạch của nước thủy triều là dấu vết cuối cùng của những vụng xưa, ngày nay đã bị lấp. Chỉ có hai khúc chạy ngang qua những rặng núi chắn ngang chỉ cách Diễn Châu với "xứ Vinh" và Thanh Hóa là công trình của con người.
Ngày nay, hai khúc này mang luôn tên của hai cái đèo mà nước đã chảy qua: đèo Hoàng Mai (những cây mai vàng) và đèo Đò Cấm. Hai con kênh này theo truyền thuyết dân gian thì do Cao Biền đào. Cao Biền là người thay mặt nhà Đường sang cai trị Tĩnh Hải (Đàng Ngoài và Bắc Trung Kỳ) từ năm 865 đến 875.
Chỉ có sự tích của kênh Đò Cấm là đáng lưu ý. Nhân dân gọi là "kênh Sắt". Truyền thuyết dân gian kể lại rằng khi đào con kênh này, Cao Biền đã phải dùng thuốc súng để phá vỡ những "tảng đá sắt" chẹn ngang đèo.
Cách ám chỉ này cũng gợi cho chúng ta biết rằng các đồi núi bao quanh đó có rất nhiều chất huyết thạch (hématite) thuộc vào loại rất tốt. Quặng sắt này đã được khai thác suốt nhiều thế kỷ do các "chủ lò rèn" Nho Lâm. Làng này nằm ở phía Tây con sông đào của Bắc Trung Kỳ, cách đèo về phía Bắc độ mấy cây số. Cũng theo truyền thuyết thì nghề sắt có lẽ đã thâm nhập vào An Nam do tướng Trung Quốc là Triệu Đà, tức là vào thế kỷ III trước Công nguyên và thời cổ của Nho Lâm có lẽ cũng bắt đầu từ đấy. Các "chủ lò rèn" đã dùng phương pháp lò thấp (ở Âu châu gọi là "phương pháp Captalane"([1]. Của người xứ Captalane xướng ra. – N.D) Các lò này còn thịnh hành trong mấy thế kỷ gần đây và cũng chính từ các lò rèn này đã làm ra những súng thần công bằng gang có từ thời Gia Long và Minh Mạng (đầu thế kỷ XIX) mà người ta còn thấy bỏ lại trong các đồn trại cũ của An-Tĩnh. Nhưng do các khu rừng lân cận đã bị đốn phá bừa bãi vì thiếu củi, nên các lò rèn đã tắt lửa và ngày nay, người ta chỉ tìm thấy ở Nho Lâm những người thợ rèn bình thường mà sự khéo léo tay nghề đã được khắp miền Trung Kỳ công nhận. Chính những người thợ rèn này đã cung cấp những dụng cụ cho tất cả các chợ búa của miền trung du Thanh Hóa và An-Tĩnh, các dân tộc thiểu số về đây mua sắm dao rựa, dao phay, lưỡi cày v.v... Ngày nay thợ rèn Nho Lâm chỉ dùng sắt vụn từ Hải Phòng đưa vào, qua Bến Thủy, cảng của Vinh (Hình số LXVI).
Sau hết cũng cần nhớ là nếu nghề sắt ở An Nam chỉ có vào thời kỳ thế kỷ III trước Công nguyên, thì nghề đá mài ra đời ngay trước nghề sắt và sẽ cứ tiếp tục ở Đàng Ngoài và Trung Kỳ cho đến những thế kỷ gần đây, so với Pháp và như vậy sẽ không có tính đồng sinh giữa các thời đại đồ đá mới của Đông Dương và Âu châu.
Tư tưởng địa phương chủ nghĩa làm cho người dân ở đây thường nói:
- "Tôi là người Diễn Châu".
Sự hãnh diện về Tổ quốc nhỏ hình như đã có từ các thời kỳ mà "Châu Diễn" (khu hành chính xưa) đã trở thành "lãnh thổ của họ Hồ", tức là thế kỷ X. Thiên thứ ba được dành riêng để nói về họ này: Các "vọng tộc". Nhưng quá khứ của Diễn Châu cũng không có gì nổi tiếng hơn các xứ khác của An-Tĩnh, người đọc có thể nhận xét điều này qua các chương tiếp sau.
CÁC DANH LAM VÀ THẮNG TÍCH XỨ DIỄN CHÂU
Sự tích các danh lam và thắng tích của Diễn Châu sẽ cố gắng được trình bầy theo trình tự thời gian, nhưng cần phải nhớ là cả đến các danh lam thắng tích ấy và sự tập trung ở một số địa phương cũng làm cho ta nhớ lại những điều đã được nêu lên khi nói đến sự hình thành gần đây của các đồng bằng duyên hải. Vị trí đó và sự hội tụ này cắm mốc các giai đoạn của một quá trình mà theo đó các vụng dần dần biến đi.
Đền Cuông (Hình LXVII và LXVIII). - Khi nhắc lại một số sự kiện của những thời kỳ bán tiền sử, chỉ có một sự việc cần phải nêu lên đối với An-Tĩnh. Đó là sự kết thúc một cách bi thảm cuộc đời của An Dương Vương tại một địa điểm mà tôi đã gọi là"bến của An Dương”([2]. “Port d’ An-Dương”: đúng ra phải dịch là “cảng” An Dương, nhưng để văn phong mang “không khí lịch sử”, nên tôi dịch là “bến” (nơi An Dương Vương trẫm mình).trong các công trình nghiên cứu của tôi về văn học cổ của Nghệ An [18]. Bến đó, ngày nay đã bị lấp, nằm ở chân núi phía Bắc của núi Mộ Dạ (Rú Đền Cuông trên bản đồ).
Một khu rừng thiêng bao bọc phía Tây ngọn núi, chính nơi đây là đền thờ An Dương Vương. Cho đến đầu thế kỷ của chúng ta, vùng này còn có rất nhiều chim công, những người săn bắn đã tàn sát hết một cách đáng tiếc. Người Pháp vẫn tiếp tục gọi đền này là Đền Cuông. Đền cổ ngày nay không còn vết tích gì nữa. Ngôi đền bây giờ trông rất tôn nghiêm nhưng về mặt khảo cổ học thì chẳng bổ ích mấy.
Chung quanh cuộc đời và cái chết của An Dương Vương cũng như cái chết của người con gái, có rất nhiều chuyện hoang đường mà tôi thấy cần nhắc lại một cách vắn tắt.
Theo sử biên niên chép lại thì An Dương Vương được sự phù hộ thần diệu của một vị thần, hiện lên dưới hình dáng một con rùa vàng. Vị thần giao cho An Dương Vương một một móng rùa, để vào một cái nỏ, nỏ sẽ có thể tiêu diệt cùng một phát mười ngàn người. Triệu Đà đã dùng mưu kế để thắng An Dương Vương. Đà cho người con trai là Trọng Thủy sang làm con tin, Trọng Thủy dụ được Mỵ Châu là con gái An Dương Vương, và bảo Mỵ Châu cho cho xem chiếc nỏ thần. Trọng Thủy đánh cắp móng rùa kì diệu rồi lấy cớ là phải về thăm bố mẹ, Thủy đã trở về dinh trại của Triệu Đà. Lúc chia tay, Thủy nói với Mỵ Châu: "Nếu như sau này khi tôi quay trở lại, hai nước có thất hòa thì dựa vào dấu hiệu gì để tìm được nhau?". Mỵ Châu nói: "Thiếp có một cái nệm lông ngỗng, thường mang theo làm chỗ dựa. Đến lúc bấy giờ thiếp sẽ rút lông tơ rắc ở những nơi ngã ba đường để đánh dấu chỗ thiếp đi qua. Nhận ra lông tơ đó, chàng sẽ biết thiếp ở đâu".
Có được móng rùa trong tay, Triệu Đà tiến đánh. An Dương Vương giương nỏ bắn nhưng nỏ bị gãy ngay trong tay, đành bỏ kinh đô của mình là Loa Thành (thành hình con ốc), phế tích nay vẫn còn ở Phúc Yên, và chạy trốn đến Nam Hải (biển của Phương Nam) (Nghệ An ngày nay) mang theo người con gái ngồi sau lưng ngựa. Đến bờ biển cuối cùng, vua kêu lớn:
- "Ơ! Rùa vàng đâu, hãy cứu ta với!"
Rùa hiện lên, lớn tiếng rằng: "Tai họa của nhà vua đang ngồi trên lưng ngựa, hãy giết nó đi!". Vua bèn rút gươm chém Mỵ Châu. Mỵ Châu kêu lớn: "Vì muốn giữ trọn lời thề ước với Trọng Thủy mà con bị đánh lừa, con chết hóa thành châu ngọc để rửa tội này". An Dương Vương chém đầu Mỵ Châu. Máu người thiếu nữ được một con trai hút lấy rồi hóa thành một vật trang sức lộng lẫy. Lúc đó dựa vào một đoạn sừng tê, vua rẽ nước và biến vào lòng bể sâu.
Trọng Thủy nhờ có lông ngỗng nên theo sát được, bèn nhảy xuống giếng - nơi thi thể của vị hôn thê bị chìm. Đời sau, khi các ngư dân trong vùng tìm được ngọc trai ở biển, họ đều đem vào vào giếng này để rửa, và vẻ đẹp của ngọc trai trở nên kỳ lạ.
Theo truyền thuyết dân gian của Thanh Hóa [11], Tiên Ngọc, có nghĩa là cái "giếng" mà ở đấy người ta rửa "ngọc trai", có lẽ cũng là cái giếng mà ngày nay còn thấy ở gần đền "Ngọc Công" làng Yên Hoa, về phía Nam Thanh Hóa, nơi đây có đền thờ nàng công chúa bất hạnh. Gần đó là Ngọc Khê - "Suối ngọc trai".
Đền Cần (Hình LXIX). - Trên Quý Lĩnh Sơn, ngọn núi che chở cho bến Cửa Cần chống đỡ với những trận cuồng phong của Phương Đông, được dựng lên Đền Cần hay là đền của Cần Hải, một trong bốn di tích đẹp nhất của An Nam (Trung Kỳ) theo một ngạn ngữ của nhân dân An-Tĩnh.
Quá khứ của ngôi đền này thuộc về truyền thuyết. Về việc xây dựng ngôi đền này, một chuyện hoang đường cho chúng ta biết như sau: Đền Cần được dựng lên tại làng Hương Cần, huyện Quỳnh Lưu do dân địa phương làm để thờ "Hoàng thái hậu" của triều nhà Tống (420- 479) bị chết đuối ở đấy (cùng với ba công chúa) trong khi trốn chạy vì một kẻ cưỡng đoạt ngôi vua. Thi thể của nữ hoàng tỏa ra một thứ thiên hương và gợi lên cảm giác của một cuộc sống bất diệt. Trước sự thần kỳ ấy, nhân dân vùng Cửa Cần bèn đặt tên cho làng mình là Hương Cần và dựng lên một ngôi đền để thờ nữ hoàng, từ đó bà trở thành thần thành hoàng. Về sau uy quyền tác phúc của vị thần mới này thường được biểu hiện, và theo sử biên niên của nhà Trần có chép lại chuyện như sau:
Năm thứ 12 thời Hưng Long (1312), vua Anh Tôn phải tổ chức một cuộc chinh phạt Champa. Một đêm, nhà vua cho thả neo ở Cửa Cần và nằm mộng thấy một nữ thần hiện lên giữa một đám tùy tùng lộng lẫy và nói với vua rằng: "Ta là
vợ Hoàng đế Triệu của triều nhà Tống, bị quân phản nghịch đuổi, ta phải trốn chạy về các biển Phương Nam và ta chết đuối ở đây. Nhưng Ngọc Hoàng Thượng Đế đã phong cho ta làm thần của biển này. Ta sẽ phù hộ cho vua và chiến thuyền của ngài. Nhà vua sẽ được hưởng sóng êm và sẽ chiến thắng kẻ thù".