
...Thư viện này là một chế định sẽ lưu tên lại trong sử sách, có rất nhiều tài liệu cũ và mới cần được nghiên cứu để có thể xác minh một số vấn đề thuộc lịch sử An Nam từ nguồn gốc đến ngày nay...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
Thiên II
Chương 2 : Xứ Vinh
(Từ trang 124 - 135)
ĐỒN LŨY VÀ THÀNH QUÁCH
Lịch sử của những công trình phòng ngự làm ta nhớ đến những công trình ở Diễn Châu. Đa số những công trình này thường được xây dựng từ đời Trần để ngăn ngừa sự xâm lược của người Chăm thế kỷ XIV.
Quan trọng nhất của thành lũy ở đây là tấn Cửa Hội ởphía Bắc cửa sông. Sách Thủy kinh, tuyển tập những sự kiện về hải quân, dẫn rằng đội chiến thuyền của Lâm ấp (Champa) đã tiến vào cửa biển này để cướp bóc vùng Nghệ An vào đầu thế kỷ XIV. Sau trận này quân Trần đã cho xây một đồn binh ở làng Lộc Châu. Đồn này đã bị bãi bỏ vào năm thứ nhất triều Đồng Khánh (1886).
Cửa Hội trong lịch sử đã có những cái tên như Đan Thái, Đan Nhai. Sử biên niên của nhà Nguyễn cho biết trong thời kỳ phân tranh Trịnh - Nguyễn, Nguyễn Cửu Kiều đã đánh tan hải quân của chúa Trịnh ở cửa biển Đan Nhai (hay Đan Giới) vào năm 1656 [2 và 10].
Hai sự kiện phụ có quan hệ với cùng địa điểm: Ngày xưa ở Lộc Châu có đền thờ Vương Bột; đền này đã bị phá hủy từ lâu. Sách Nghệ An ký của Bùi Dương Lịch chép rằng Đoàn Nhữ Hài đã bị chết chìm ở Cửa Hội sau khi đã đánh thắng viên tướng Lào tên là Bổng vào năm 1335 (đúng ra là người Thái hay Mường vùng thượng du An-Tĩnh).
Đi vào sông Cửa Lò có tấn Hải Xã và Cửa Hiệu, cửa của một dòng sông nhỏ La Hoàng (cũng là tên làng) có tấn Hải Hiệu bảo vệ. Hai đồn bên này đã bị bãi bỏ vào năm 1849, đời Tự Đức thứ 3.
Trên đỉnh đồi bao quát cảng Bến Thủy có phế tích của một tòa thành mà người ta còn phân biệt được vị trí của những trại lính và sở chỉ huy, cũng như những dấu tích của tường thành (Hình XCII).
Cũng như Lam Thành cách vài km về phía thượng lưu, pháo đài Bến Thủy do Mã Viện xây dựng từ thế kỷ thứ nhất, nhưng vấn đề còn phải được chứng minh.
Pháo đài này trong nhiều thế kỷ đã chế ngự lối vượt qua sông Lam chống lại quân Champa lúc đó đang chiếm cứ Hà Tĩnh cho đến thế kỷ X. Thành Bến Thủy dưới thời Trần đã bị quân Champa chiếm đóng vào thế kỷ XIV, và đến thế kỷ XVII thì bị Ông Ninh (Trịnh Ninh) đánh phá dữ dội trong chiến tranh Trịnh-Nguyên. Tháng 8 năm 1885 pháo thuyền của Pháp đã bắn phá thành lần cuối cùng và sau trận tấn công thắng lợi thì họ đã đánh ngã vĩnh viễn đối thủ. Vả lại một thời gian sau thành này đã bị cấm vào năm Đồng Khánh nguyên niên (1886).
Ngọn đồi Bến Thủy có tên là núi Dũng Quyết, ở phía Tây có sông Quần Mộc, nơi đây đã xảy ra một trận giao chiến giữa hai quân đội Bắc và Nam vào thế kỷ XVII. Giữa núi và sông có cái gò gọi là núi Kỳ Lân hay thường gọi là núi Con Mèo. Một khẩu đại bác cỡ lớn bằng gang bị bỏ trong khu thành hoang phế bao bọc núi Con Mèo. Đồn binh này đã bãi bỏ vào năm đầu triều Đồng Khánh (1886) (Hình XCIII).
Trong thành Bến Thủy có những cỗ súng bằng đồng mà tôi đã nói trong phần thứ nhất của "Tạp lục" [14 và 15].
Hai khẩu súng Hà Lan của thế kỷ XVII chế tạo rất khéotrang trí sân cỏ của dinh công sứ Vinh; những khẩu khác đã bị nung chảy, trước đó người ta đã ghi chép cẩn thận nhữngchỉ dẫn trên nòng súng.
Từ nhà Trần đến hết nhà Lê, Lam Thành là lị sở của An-Tĩnh, thành cổ của lưu vực sông Lam. Người sáng lập ra triều Nguyễn, Gia Long, từ khi lên ngôi (1801) đã dời lị sở về làng Yên Dũng, phía Đông của Trường Thi, bây giờ là sân bay. Thành Vinh lúc đầu đắp bằng đất. Dưới triều Minh Mạng thành được xây lại bằng gạch nề. Công trình hoàn thành vào năm 1832 (Hình XCV).
Thành Vinh hình 6 cạnh, do đó nhân dân gọi là thành "Con Rùa", chu vi 630 trượng (1 trượng bằng 10 Thước, tức là 0m,42x10=4,20m) cao 1 trượng. Trên tường thành là một tường phụ cao 2 thước 50. Hào thành lúc đầu sâu 8 thước nhưng dần dần bị bồi lấp và hiện nay phần lớn đã thành ruộng. Tường gia cố hào xây bằng đá phiến Bến Thủy. Tường thành ngoài được xây bằng đá ong Nam Đàn. Tường thành trong bằng đá sò Phủ Diễn. "Sông đào Vạch" cũng đào đồng thời với khi xây thành, mục đích chính là gia cố cho những hào thành. Công trình này bắt đầu vào năm Gia Long thứ 3 (1803) và hoàn thành năm Gia Long thứ 8 (1809). Kênh đào xuất phát từ kẻ Đước, chảy về Xuân Hồ (hay Nộn Hồ), rồi chảy khoảng 100m qua phía Nam thành, trước Tòa Sứ, ở đây sông chảy thẳng và sau nhiều khúc quanh sông chảy vào sông Lam. Thật ra đây không phải là sông đào, nghĩa là công trình nhân tạo, nó chỉ ở khúc thẳng, phần đầu là sự hoạt động của một dòng sông có trước và khúc thứ ba hoàn toàn tự nhiên. Thành có bốn cổng nhưng cổng Bắc đã bịt lại nếu không sẽ có ma do những ác thần quấy nhiễu.
Cũng giống như cổng phía Nam của Thanh Hóa mà tục ngữ đã có câu:
"Thanh vô tiền, Nghệ vô hậu".
(Tiền = cổng phía Nam, Hậu = cổng phía Bắc).
Vinh, thành phố mới xây dựng, không có một công trình gì đáng kể, chỉ có Văn Miếu, Võ Miếu và Trường Thi.
Văn Miếu nơi người ta thờ Khổng Tử, Mạnh Tử và những học trò nổi tiếng của Khổng Tử, xây dựng vào năm thứ ba đời Gia Long (1803). Nó chỉ đáng để ý vì sự đơn giản như tất cả các "văn miếu" ở Trung Kỳ.
Miếu Quan Công hay "Võ Miếu", đền của chiến tranh, được xây dựng từ năm thứ 18 thời Minh Mạng (1839), thờ Quan Công một tướng Tàu thời Tam Quốc, thế kỷ thứ ba, một thời kỳ loạn ly của Trung Quốc. Một trong những triều đại đó là nhà Hán. Vua Hán là Lưu Bị được Quan Công phò tá, sau đó Quan Công đã trở thành Thần Chiến tranh. Võ Miếu được bày biện một cách hỗn tạp. Vẻ bề ngoài gợi cho ta hình mẫu kiến trúc của tất cả những công trình thời Minh Mạng (1820-1840). Bình phong và hai quyết cột rất đẹp. Phía tả lối vào có một lầu bia nhỏ nhưng nội dung bia không có gì. Trước bình phong có nhiều khẩu "thần công" thời Gia Long và Minh Mạng mà tôi đã thuật lại lịch sử trong phần đầu của "Tạp lục" [14]. Năm 1933 những khẩu thần công này được chuyển vào Xưởng đúc tiền ở Huế và bị nung chảy.
Trường thi hay Trường thi hương ba năm một lần đã được dỡ sau khi nền giáo dục cổ truyền bị bãi bỏ (1919). Trường này xây bằng "đá Phủ Diễn" vào năm thứ 3 thời Gia Long (1804), nay đã là vị trí của "phi trường" (sân bay).
"Trường sĩ tử" đã để lại tên "Trường thi" một phần của trung tâm đô thị Vinh - Bến Thủy, có xưởng máy của đường sắt khu vực phía Bắc gọi là "Nhà máy Trường Thi".
Thành Vinh đã bị quân Pháp chiếm đóng trong "chiến dịch Nghệ An" 1885-1887. Trong nghĩa trang Pháp gần cổng phía Tây một công trình đã được xây dựng để tưởng niệm sĩ quan và binh sĩ Pháp - Nam đã ngã xuống trên chiến trường.
III – BIA TAM XUÂN
Tôi nhớ rằng tôi đã phát hiện ở làng Tam Xuân Hạ một tấm đá rất lạ mà tôi nghĩ cần phải có sự quan tâm của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Đây là một tấm bia khắc nổi hình một nhân vật nổi tiếng thời xưa. Mũ là mũ của những vị quan An Nam. Cấp bậc theo kiểu An Nam không thể là kiểu Champa, tuy nhiên tư thế hoa sen ấn Độ (padmasana) thì đúng hơn và phải là phong cách Hindoue. Tổng thể gợi cho ta những cái kut (bia mộ) của Champa, không phải phong tục An Nam chạm khắc như vậy trên tấm lát trong lễ tang người chết. Người ta có thể cho rằng đó là một hỗn hợp Champa và An Nam (Hình CI). Theo những sưu tầm cá nhân của ông M. Ch. Jeannin, công sứ Pháp ở Hà Tĩnh thì "bức tượng chính là hình của tướng Đặng Đình An, có thể chắc chắn là ông đã được chôn cùng một mộ với bà mẹ ở cách nhà bia chạm khắc một vài mét". Căn cứ vào những thông tin đó, ông Jeannin đã thêm vào bản dịch của tấm bia và một chỉ dẫn mà tôi đã cho công bố toàn văn:
"Cuộc đời và sự nghiệp của Đặng Đình An"(1)
Đặng Đình An xuất thân từ một gia đình võ quan ở làng Trung Lao (nay là Trung Sơn) xã Yên Lạc (nay là Tam Xuân Hạ) huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ngày 10 tháng 6 năm Nhâm Tý (1612) đời Lê Kính Tôn, có khuôn mặt và tầm vóc khác thường. Năm ông mới 12 tuổi, Quý Hợi (1623), đã được theo cha ra trận. Với tài năng và sức khỏe phi thường, ông đã được quân lính khâm phục và chỉ một thời gian ông được phong "Khuông lộc bá trụ quốc hạ trật". Từ đó số phận luôn mỉm cười với ông. Nhờ đánh thắng quân Champa nhiều trận, năm Vĩnh Tộ (1629) ông được thăng "Trụ quốc trung trật", lúc đó ông mới 18 tuổi.
Năm 47 tuổi, đời Thịnh Đức thứ 6 (1658) ông được phong "Điện tiền tả hiệu diêm Khuông lộc hậu trung trật".
Năm 1679 đời Lê Hi Tôn, ông được phong thưởng cuối cùng với tước "Tấn tri công thần, đắc tiền phụ quốc thượng tướng quân, tham đốc thần võ tu vệ quân vụ, Khuông lộc hầu trụ quốc thượng liên quí tưởng" và được về nghỉ hưu ở huyện Nghi Xuân. Năm ấy ông 68 tuổi. Trong những năm nghỉ hưu, ông đã dùng thời gian làm những việc có lợi ích cho địa phương. Năm 1679, sau khi về nhà được vài tháng, ông đã cho làm chùa Tả Ao cho huyện Nghi Xuân. Sau đó ông cho sửa lại đình Trung Lao và hiến cho công quỹ của làng 2 khoảnh ruộng và 200 quan tiền. Để tưởng nhớ đến công lao và lòng độ lượng của ông, 51 chức sắc của Trung Lao đã dựng một tấm bia bằng đá hình 4 mặt và liệt ông vào hàng các vị thành hoàng làng. Tấm bia mặc dầu có sự tàn phá của thời gian, vẫn còn tốt; mặt bia mang những dòng chữ Hán bút tích của Quận công Hồ Sĩ Dương, tiến sĩ, cựu thần của nhà Lê, quê Quỳnh Đôi (Nghệ An).
Cách tấm bia khoảng 300 mét, dưới chân dãy Hồng Lĩnh, ở một trong những nơi phong cảnh đẹp nhất của xã Tam Xuân còn có một phiến đá vôi(2) chạm trổ như đá hoa, trên đó hình ông Đặng Đình An mặc triều phục được chạm nổi. Trước phiến đá có một thạch bàn nhỏ trên đó có khắc những dòng chữ Hán: Hiền tỷ, chánh phu nhân, Bùi quí thị gia phong Đại vương(3). Thạch bàn này vốn được bảo vệ tốt. (Hình CI).
___________
Chú thích:
(1) Ông và bố đều là võ tướng nhà Lê. Nhờ những võ công, hai người đều được phong tước Hầu. Xem bài viết của H. Le Breton đăng ở BAVH số 2, tháng 2+6, 1935, tr. 227-228.
(2) Phiến đá cao 1,045 m, rộng 0,60 m, dày 0,30 m. Thời gian dựng ngườita đã yểm bùa vào rốn của Đại tướng một số đồng tiền Nguyên Phong đời Hán và một ít vàng. Cách đây vài năm một kẻ "phạm thượng" nào đó đã đục rốn và lấy mất số vàng này.
(3) Ngôi đền ở phía sau phiến đá là mộ của thân mẫu Đặng Đình An. Tước "Đại vương" có thể bà là con gái của một nhà quý tộc Bắc Kỳ. (Chú thích của Le Breton).
Hết chương II : Xứ Vinh
Kỳ tiếp theo : Xứ Hà Tĩnh