
...Xứ này lúc đầu vốn là một miền đất đầm phá...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
Thiên II
Chương 3 : Xứ Hà Tĩnh
(Từ trang 136 - 142 )
Xứ này lúc đầu vốn là một miền đất đầm phá. Điều đó, tôi đã chứng minh trong tập nghiên cứu của mình về "Sự nổi lên của các đồng bằng duyên hải An-Tĩnh" [18] (Hình CIII: ảnh chụp từ trên máy bay).
Giới hạn phía Nam của nó được quy định một cách rõ ràng bởi con sông Hộ Giang do Cửa Nhượng chảy ra bể. Tôi xin dành việc xác chứng đường giới hạn vừa có tính chất tự nhiên, vừa có tính chất lịch sử này cho chương sau nói về xứ Kỳ Anh.
I – NHỮNG NÚI ĐÁNG CHÚ Ý
Theo chúng tôi, đó là những núi danh tiếng, có quan hệ đến phong tục địa phương, hoặc là nơi đã chứng kiến những sự kiện quan trọng.
Núi Nam Giới (Hình CIII). - Trên hữu ngạn cửa Sót, cửa của Hà Tĩnh thuộc địa phận xã Dương Luật, về Tây Bắc huyện Thạch Hà, có một ngọn núi mà sách "Đại Nam nhất thống chí" gọi là núi Nam Giới (núi địa giới phía Nam). Cái tên đó nhắc lại rằng nơi đây, giữa thế kỷ thứ VII và thứ X là địa giới phân cách hai hùng tộc: Champa và An Nam [15].
Núi Nghèn (Hình CIV). - Ngọn đồi này ở về phía Bắc huyện Thạch Hà, làng Trảo Nha. Dưới chân đồi là sông Nghèn. Trên đỉnh Ngàn Sơn, hồi trước có một cái tháp Champa. "Vào khoảng canh 5 một đêm hè năm thứ 35 đời Cảnh Hưng (1774), một thế lực huyền bí nào đó đã nhổ cái tháp đó đi". Vì thế, ngày nay chỉ còn lại nền cũ của tháp.
Núi Báu Đài - Đồi này nằm ở phía Tây huyện Thạch Hà, làng Tĩnh Lưu. Tự nó không có giá trị đặc biệt để được người ta chú ý, nhưng từ núi Báu Đài thoát ra một nhánh đi về hướng Đông Bắc gọi là đồi Bạng, ở trên địa phận làng Bạng Châu. Hai nơi này, sở dĩ có tên là Bạng bởi vì đều có nguồn gốc ở những bãi sò mà biển đã để lại khi nó rút lui vào thời đệ tứ kỉ. Đồi này là một nơi "linh thiêng" vì nghe đâu ở đấy chỉ mọc một thứ cây "trấp nhũ" có tác dụng lạ kỳ là làm cho người đàn bà không sữa hóa có.
Núi Thành Sơn. - Đồi này ở làng Đại Tăng, về phía Bắc huyện Cẩm Xuyên. Cái tên "thành" lấy ở sự tích đồi này vốn trước có một tòa thành cổ ở trên đỉnh. Trong quá trình Trịnh - Nguyễn phân tranh (thế kỷ XVII), ông Ninh (Trịnh Ninh) đã dựng lại những mảng thành đổ nát. Quân đàng trong (Huế) chiếm thành này năm 1655, nhưng rồi lại phải bỏ mà rút lui (1661).
Một vài phế tích của thành còn sót lại (Hình CV).
II - NHỮNG NGÔI ĐỀN ĐÁNG CHÚ Ý
Chúng tôi sẽ chỉ nêu lên những ngôi đền đáng được xếp vào loại những công trình mà chính phủ nên bảo quản.
Đền Quan Đô Đài (Hình CVIII). - Đền này ở trên đồi Bạch Ty, làng Độ Liêu, huyện Can Lộc. Đền thờ Bùi Cầm Hổ, sinh quán ở làng, là người đã lập được những công trạng hiển hách dưới triều vua đầu tiên của nhà Lê (thế kỷ XV). Tiểu sử của ông này sẽ thuật lại ở thiên III. ở bên trong đền, ta thấy có hai ông phỗng, ngoài số những ông phỗng mà tôi đã kể ra ở một quyển sách khác.
Đền Lê Quận Công. - Đền ở làng Phù Lưu, huyện Can Lộc. Đền thờ Nguyễn Công Giai, một vị công thần nhà Lê đã lập nhiều công trạng trong chiến tranh diệt Mạc (1429- 1540). Tiểu sử của danh nhân này sẽ thuật ở thiên III (Hình CVIII ở trên).
Đền Tam Trung (đền ba người tôi trung). - Đền này (Hình CVIII ở dưới) ở làng Đại Nại, huyện Thạch Hà. Người ta thờ ở trong đền "ba người bề tôi trung" với vua. Vào năm thứ 27 triều Tự Đức, thành Hà Thành nguyên là tỉnh lị tỉnh Hà Tĩnh, bị đồ đảng của Lê Bảo Phụng vây hãm, người này là hậu duệ của nhà Lê (triều vua đã mất từ cuối thế kỷ XVIII) đương ngôi vua của nhà Lê.
Ba vị đại quan đã hy sinh để bảo vệ thành trì là: Quản đạo Mạnh Tuyên, Khâm phái Đinh Khoa, Lãnh binh Lê Nhất. Dân làng dựng đền và từ đấy thờ ba người "tôi trung".
Đền Tam Lang Long Vương. - Đền này ở làng Nhụy Uyên, huyện Thạch Hà (Hình CIX ở trên). Tục truyền thuyền ngự của Lê Thánh Tôn đi đánh Champa, phải dừng lại đây một cách bất ngờ. "Do sự tác động của một sức mạnh huyền bí, các mái chèo đều không cất lên được và gió tự nhiên dừng lại một cách bất thường". Sau khi đã hỏi dân sở tại về lý do của hiện tượng này, nhà vua sai tổ chức lễ tạ lỗi vị thần thành hoàng địa phương. Lập tức gió lại nổi lên và đẩy đội chiến thuyền đi một mạch đến đất Champa. Sau khi thắng trận trở về, nhà vua xuống chiếu cho thờ vị thần đã bảo hộ mình, theo đẳng cấp của các vị thần.
Đền Quan Công. - Đền này ở làng Tả Hạ, huyện Can Lộc. Đền thờ Bình chương Đặng Tất, một vị tướng nổi tiếng vì có nhiều công trạng trong chiến tranh với người Tàu cuối đời Trần (thế kỷ XIV-XV). Tiểu sử của người này sẽ thuật lại ở thiên III.
Đền Võ Mục Đai Vương. - Đền này ở gần biển (Cửa Sót) trên núi Long Kim, huyện Thạch Hà. Đền thờ Lê Khôi, anh em họ của Lê Thái Tổ (1428-1434) (Hình CIX và CX ở dưới).
Sau một cuộc viễn chinh thắng lợi ở Champa về, Lê Khôi rời thuyền lên bộ ở dưới chân núi Long Kim và chết một cách đột ngột (1447). Chính trên mảnh đất đó, người ta đã dựng đền thờ.
Năm thứ tư niên hiệu Quang Thuận (1463), vua Lê Thánh Tôn ra lệnh cho Công bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Độ dựng bia kỷ niệm người bác của mình và sai Bộ Lễ tổ chức lễ lớn vào ngày mất của vị anh hùng ấy. Thêm vào đó, Thánh Tôn có sắc phong tặng vị này được đứng trong các thần hộ quốc với hàm Võ Mục Đại Vương.
Năm thư bảy, niên hiệu Dương Hoà, triều vua Lê Hiển Tôn (1497-1504), Bộ Lễ tâu vua biết cần phải cho dời đền này đến một nơi khác vì những cơn thịnh nộ của sóng gió thường làm cho việc thờ cúng rất khó thực hiện. Vua sai dựng một ngôi đền khác ở Triều Khẩu.
Sự tích ngôi đền và tiểu sử của Lê Khôi sẽ thuật lại ở Chương nói về "Lưu vực sông Lam".
Mặc dù vậy, vong linh Lê Khôi vẫn tiếp tục được thờ phụng ở các làng Mai Lâm, Vĩnh Tuy, và Kim Đôi dưới chân núi Long Kim.
Ở Cửa Sót, người ta cũng tìm thấy một ngôi đền của người Tàu từ thế kỷ XV.
Đền Quan Quận Công Trần. - Tại làng Trung Tiết, huyện Thạch Hà, có một ngôi đền thờ Trần Hoa (Hình CXI ở dưới).
Trần Hoa sinh quán ở Trung Tiết. Dưới triều Quang Thái (1573-1599) của Thế Tôn, ông đánh thắng quân nhà Mạc và được sắc phong Thượng Trụ quân và Duyên Quận công. Sau khi chết, ông trở thành thần thành hoàng của làng quê mình.
Tiểu sử đầy đủ của vị này sẽ được trình bày ở thiên III.
III - NHỮNG ĐỒN LŨY VÀ THÀNH TRÌ
Các thành trì được xây dựng tại nhiều tỉnh lị và các đồn lũy được thành lập ở cửa sông; những thành và đồn ấy đã bảo vệ được những nơi này trong nhiều thế kỷ chống những cuộc xâm nhập của quân Champa vào thế kỷ XIV và chống chúa Nguyễn vào thế kỷ XVII. Các thời kỳ sau này, tất cả các đồn lũy đều được cải tổ lại nhờ ông Ninh (Trịnh Ninh), vì thế mà những công trình phòng thủ quan trọng đều mang tên "Ông Ninh". Tất cả hệ thống phòng ngự nói trên đều bị phá bỏ vào năm thứ nhất niên hiệu Đồng Khánh (1886).
Tấn Cửa Sót (làng Kim Đôi) bảo vệ cửa sông Ray, huyện Thạch Hà. Cửa Sót và hữu ngạn cửa sông này làm thành địa giới giữa An Nam và Champa như đã chỉ ra trong phần nói về núi Nam Giới.
Cần nói thêm rằng đó là một địa giới tự nhiên hoàn chỉnh, vì chỉ một việc đi theo con đường từ tỉnh lị Hà Tĩnh đến Cửa Sót (Hình CIII) cũng đủ thấy con đường này đi qua một vùng luôn luôn bị ngập nước. Điều đó làm cho ta đoán biết được rằng cách đây mười thế kỷ, cả một vùng đất phía Bắc thuộc Hà Tĩnh chỉ là một vùng nước, một đầm lầy trải ra từ bờ biển hiện thời cho đến sông Ray về phía Tây.
Ở Cửa Sót, viên chỉ huy của chúa Nguyễn là Nguyễn Hữu Dật đã đánh bại quân và chiến thuyền đàng ngoài năm 1655.
Thành của phủ Hà Thanh (nguyên tỉnh lị tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng từ đời Gia Long (1801-1821). Thành bằng đất nên được tăng cường bằng một lớp tường đá vào năm thứ tư triều Minh Mạng (1824). Chu vi 267 trượng, cao 7 thước: hồ ngoài thành rộng 1 trượng và sâu 4 thước. Thành có hai cửa. Năm 1873, đồ đảng của Lê Bảo Phụng chiếm thành và hạ sát ba viên quan bảo vệ thành, như chúng tôi đã thuật lại trong đoạn nói về đền thờ ba người trung thần (đền Tam Trung).
Sau việc đó xảy ra, tỉnh lị được dời đến địa điểm của một đồn nhỏ xây dựng đời Minh Mạng (1824), nơi đây được mở rộng rất nhiều vào năm thứ 29 triều Tự Đức (1875). Tường thành bằng đá được xây năm thứ 35 triều vua ấy (1881).
Thành có chu vi 328 trượng, cao 4 thước 4 tấc, hồ rộng 1 trượng và sâu 4 thước. Thành Hà Tĩnh có trổ 4 cửa trên có chòi. Thành không có lịch sử gì đặc biệt.