
Sông Lam bắt nguồn từ nước Lào. Tại Trung Kỳ, chảy qua bốn "xứ" mà tôi gọi là các khu hành chính. Lần lượt từ miền thượng lưu cho đến hạ lưu là Tương Dương (Cửa Rào), Anh Sơn, Thanh Chương và Nam Đàn...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
Thiên II
CHƯƠNG 5 - Lưu vực sông Lam
(Từ trang 152 – 157)
Sông Lam bắt nguồn từ nước Lào. Tại Trung Kỳ, chảy qua bốn "xứ" mà tôi gọi là các khu hành chính. Lần lượt từ miền thượng lưu cho đến hạ lưu là Tương Dương (Cửa Rào), Anh Sơn, Thanh Chương và Nam Đàn. Nhưng về phương diện lịch sử, cả bốn "xứ" này kết thành một khối không thể chia cắt được, đó là "lưu vực sông Lam". Muốn có một ý niệm về cái thực thể này, thì chỉ cần nhắc lại một trong những thời kỳ oanh liệt nhất của lịch sử nước Đại Việt.
Đó là thời kỳ đầu thế kỷ XV. Hai kẻ đối địch đánh nhau, một bên là người An Nam do Lê Lợi chỉ huy và một bên là quân Tàu do tướng Trương Phụ cầm đầu. Người An Nam chiếm đóng toàn bộ hữu ngạn sông Lam. Còn quân Tàu thì xây dựng các cứ điểm ở tả ngạn vùng hạ lưu sông Lam, ở "xứ" Nam Đàn và Vinh. Dọc theo hữu ngạn Sông Lam có một dãy núi. Lê Lợi đã xây thành lũy khắp trên dãy núi ấy và các pháo đài hình răng cưa thiên nhiên dùng làm cứ điểm mai phục quân Minh.
Dọc theo chân dãy núi ấy về phía Tây là "con đường thượng đạo". Nhờ con đường này mà Lê Lợi đã đặt cơ sở liên lạc một cách chắc chắn với người Thái (Mường), những đồng minh của ông ở các vùng thượng du An-Tĩnh và Thanh Hóa.
Về con đường này chạy suốt từ Đàng Ngoài cho đến Lang Biang, tôi đã có dịp trình bày trong bản lược khảo của Tập san số tháng 4-6 năm 1935. Trên bản đồ An-Tĩnh, chúng ta sẽ thấy con đường này in hình rõ nét khi nghiên cứu về "thung lũng sông Lam" và khi phát triển các chương mục sau này - về các xứ Hương Khê và Hương Sơn.
Chính từ "con đường thượng đạo" này mà tất cả các đội quân của "Người giải phóng nước Đại Việt" đã đi xuống để đánh trả lại những cứ điểm của các tướng Tàu.
Năm 1423, năm Lê Lợi chiếm được Lam Thành, đánh dấu giai đoạn đầu tiên của cuộc tổng tấn công toàn diện sẽ chấm dứt một cách vĩnh viễn ách đô hộ của quân Tàu (1428).
Ít có vùng nào có tác dụng lớn lao như "lưu vực sông Lam" trong lịch sử Đại Việt. Với sự hiểu biết khá sâu sắc về lịch sử nước An Nam, tôi có thể khẳng định điều đó. Việc làm sống lại quá khứ của "lưu vực" ấy sẽ làm cho bất cứ những ai chuyên nghiên cứu về lịch sử An Nam càng tin vào điều đó.
Lịch sử cấu tạo về mặt địa chất gần đây của "thung lũng sông Lam" lại càng làm cho chúng ta hiểu thêm về thời kỳ xa xưa của thung lũng này. Vào thời đệ tứ kỉ, biển ăn sâu vào tận chân các ngọn núi cuối cùng của dãy núi lớn, lúc đó nước sông Lam bao phủ mênh mông cả bốn "xứ". Tiếp đến một thời kỳ lục địa nổi lên. Sau lúc xảy ra hiện tượng đó, xuất hiện các "bãi bồi", dấu vết của lòng sông đầy, ngày nay đã biến thành ruộng lúa, và sông Lam đã đổi dòng về phía dưới. Hệ thống thủy đạo bị giải thể, nhưng các dấu tích của lòng sông cạn cũ của sông Lam ngày nay còn hiển hiện bởi các "lòng sông chết" đã biến thành ao hồ. Trong tất cả các lòng sông chết ấy, đáng chú ý hơn cả là "Xuân Hồ" (hồ của mùa xuân) (Hình CXXII ở trên), một trong những làng ven sông ngày nay vẫn còn mang tên ấy: Xuân Liễu [16 đến 19].
Xuân Hồ có lịch sử của nó, tôi cần kể lại:
Năm 1430, năm thứ ba đời vua Thái Tổ - người khai sáng ra nhà Hậu Lê (Lê Lợi), những cuộc tế lễ để trừ tà diệt quỷ theo lệnh nhà vua phải tổ chức để đuổi những "thủy quái" cuối cùng còn lui tới Xuân Hồ (hay Nộn Hồ). Những thủy quái không có gì khác hơn là loài cá sấu.
Ở đây có một điều rất thú vị cần nhắc lại một vài nét về phong tục đã mất từ nhiều thế kỷ. Dưới thời Hồng Bàng (2879-258 trước Công nguyên), theo như các nhà bình luận về biên niên sử An Nam kể lại thì nhân dân ở chân núi thấy ở cửa Giang Hà có rất nhiều tôm cá, bèn kéo nhau đến đánh, nhưng bị rắn và cá sấu cắn. Người ta bèn tâu với vua sự việc như vậy. Vua trả lời: "Loại trùng của núi rừng và giống ở dưới nước là thù địch với nhau, cái gì giống với chúng thì chúng ưa, cái gì mà chúng thấy là kỳ lạ thì chúng căm ghét: nhà vua có lệnh cho xăm mình". Từ đó trở đi, rồng không còn làm hại cho ai nữa và tục xăm hình của người Bách Việt cũng bắt nguồn từ đó (trăm họ Việt: người An Nam).
Cũng cần phải biết rằng ngôn từ dùng để chỉ những con cá sấu được dịch ra là "con của rồng". Đến thể kỷ XIII, các Hoàng đế An Nam bèn theo tục lệ vẽ hình một con rồng ở nhà bếp. Tục lệ này liên quan mật thiết với tập tục của những người Việt sơ khai, họ đã vẽ trên thân mình hình tượng của những con cá sấu. Những điều đó đã dẫn một số tác giả đi tìm con cá sấu có nguồn gốc là con vật tưởng tượng mà người Tàu và người An Nam gọi là "long". Sau nữa, phải biết rằng cái nôi của dòng giống người An Nam có lẽ là ở lưu vực của trung lưu sông Dương Tử vùng Hồ Bắc và Hồ Nam ngày nay, nằm giữa Di Giang và hồ Động Đình. Chính nơi đây, tổ tiên xa xưa của người An Nam đã lập ra triều đại nhà Chu (Tch’ou) (thế kỷ XI trước Công nguyên). Vào thế kỷ IX trước Công nguyên, một chi nhánh của nhà Chu, tức là người Việt theo Hắc Long Giang đi xuống và lập nên nước Việt ở bờ biển phía Đông, tại Tây Giang ngày nay. Nhưng năm 333 trước Công nguyên, người Chu đuổi người Việt và từ đó bắt đầu một cuộc didân hàng loạt dọc theo bờ biển của biển Đông và đưa một trong "Trăm họ" đến tận Đàng Ngoài. Nhưng người Chu và người Việt có những nét giống nhau về phong tục tập quán theo như các văn bản cũ có ghi lại: "Lúc nào họ cũng đắm mình dưới nước. Họ xăm mình để cho giống những con cá sấu. Vì thế cho nên họ tránh được tai họa từ phía những người con của rồng" [1].
Mỗi khi người đọc đi thăm một ngôi đình hay một ngôi đền, họ sẽ nhận thấy con rồng tượng trưng kèm theo tám con rồng thường được chạm trên các đường xà hạ.
Những nét về tập tục cũ này đã được ghi lại, tôi chỉ cần nói thêm là những con cá sấu ngày nay không còn sống ở sông và ao hồ của Đàng Ngoài và Bắc Trung Kỳ nữa [18].
Nước đã hóa lạnh, và theo như lịch sử của hồ Xuân Liễu có ghi lại, thì loại cá sấu này đã biến mất vào thế kỷ XV.
Dưới thời Dương Hòa đời vua Lê Hiển Tôn (1460-1497), một con quan Thượng thư hưu trí tên là Nguyễn Văn Minh đã cho đào một con sông để rút nước cho hồ cạn đi một phần. Đó là con sông đào Hữu Biệt, con kênh được nối tiếp và chảy vào sông Lam.
Trên phần đất phía Tây của những miền đất đai nổi lên do sông để lại, làng Xuân Liễu đã được lập nên, dân làng nuôi cá trong những ao nuôi cá tổ chức rất khéo...
Suốt đời Xuân Liễu phải tiến cống cho triều đình cá đánh ở ao Xuân Hồ, cá của hồ này rất ngon. Trong cuộc du lãm của học trò trường Quốc học Vinh ngày thứ năm mồng 8 tháng 3 năm 1928, vị tiên chỉ của làng đã cho tôi thưởng thức thứ cá đó.
Hình CXXII chụp trên ngọn đồi thứ nhất phía trên Sa Nam (lị sở của huyện Nam Đàn) chứng minh rõ nét nhất về lịch sử hình thành Xuân Hồ. Trước tiên, người ta thấy sông Lam vòng một cách đột ngột về phía Nam và chảy theo trên "nền đất" của Nam Đàn. Phía sau nền đất ấy, đằng Đông, người ta thấy dòng cũ của con sông đã trở thành Xuân Hồ. Hồ này kéo dài trước tiên theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, cho đến dãy núi Hữu Biệt, rồi theo sát chân dãy núi theo hướng Bắc Nam [16 đến 19].
Đồng bằng của bốn xứ Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn và Tương Dương ngày nay đã được dùng để trồng lúa, trước đây cũng là những miền đất (nền đất) cũ của sông Lam, xưa là lòng sông đầy và các ao hồ, là những dấu tích cũ của lòng sông cạn.
Những nền đất này có người đến ở ngay sau lúc sông để lại, trong lúc các đồng bằng ven biển còn trong trạng thái là những vũng đầm bao la. Điều đó giải thích vì sao mà người ta đã tìm thấy tại "lưu vực sông Lam" các địa danh là đền đài miếu mạo xưa nhất của An-Tĩnh và số lượng cũng nhiều hơn so với miền duyên hải.
Nhưng dòng sông Lam chưa được điều chỉnh ổn định. Chứng minh cho điều đó là những tai họa do hiện tượng nước tràn mới đây gây nên. Tôi cần nêu một số thí dụ:
Thí dụ như nếu chúng ta khảo sát về vùng Vạn Lộc, cách Sa Nam về hạ lưu mấy cây số trên hữu ngạn (Sa Nam là lị sở của huyện Nam Đàn), chúng ta sẽ biết được rằng, dưới triều Tự Đức (1847 - 1883), các giáo dân An Nam đã sinh cơ lập nghiệp trên những đám đất nằm giữa dãy núi và con đê (con đê này ngày nay là con đường hàng tỉnh số 43) chạy qua tổng Nam Kim. Dưới triều Tự Đức, sông Lam đã bắt đầu bồi lên ở chân đê này một dải đất cát mênh mông, và đến năm 1875, giám mục Gauthier ở Xã Đoài nói với giáo dân rằng: "Hãy bỏ con đê và chiếm lấy đất cát". Từ lúc đó, sông Lam cứ lùi mãi. Các thời kỳ nối tiếp nhau do lòng sông đẩy lùi mãi ở vùng Vạn Lộc đã để lại ngày nay ba hồ song song với nhau, lúc lên cao, nước sâu đến 6 thước. Đất bồi do sông Lam chuyển tới từ thời Tự Đức rất lớn. Về lịch sử của Vạn Lộc, tôi đã ghi lại được nhờ người bạn quá cố của tôi là Cha Théodore Guignard, trước đã ở đây ba mươi năm và đã hướng dẫn cho tôi nghiên cứu trực tiếp về quá trình hình thành của vùng này.
Bây giờ chúng ta hãy kể lại lịch sử của các biến cố bất thường mà làng Xuân Liễu đã phải trải qua từ thời Tự Đức. Các địa đồ đầu tiên với tỷ lệ 1/100.000 đã chỉ cho ta thấy ở hạ lưu của Sa Nam có hai làng cũng mang tên ấy, một làng ở tả ngạn sông, một làng khác ở cách một cây số về phía dưới trên hữu ngạn. Vậy dưới đời Tự Đức chỉ có một làng Dương Liễu ở tả ngạn phía trên. Sông Lam vì sự "cuồng điên" của nó đã cắt Dương Liễu làm đôi rồi tàn phá hoàn toàn làng đó. Nhưng với đất đai cuốn đi, con sông đã bồi lên ở phía dưới, bên hữu ngạn, một dải đất phù sa. Trên đất này, những cư dân của Dương Liễu cũ đã dời nhà cửa đến ở. Như vậy là làng Dương Liễu thứ hai được thành lập.
… còn nữa…