
...Trên đất này, những cư dân của Dương Liễu cũ đã dời nhà cửa đến ở. Như vậy là làng Dương Liễu thứ hai được thành lập...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
Thiên II
CHƯƠNG 5 - Lưu vực sông Lam
(Từ trang 158 – 164)
Nhưng than ôi, chẳng được bao lâu.
Bởi một sự "cuồng điên" mới, sông Lam lại gặm nhấm mặt các bờ của làng mới và lại bồi lại làng cũ, cái làng duy nhất còn lại ngày nay, mặc dầu bản đồ vẽ đã một phần tư thế kỷ cũng không xác định được địa hình rất gần đây của lòng sông Lam. Điều này không những chỉ đúng với miền Dương Liễu, mà cũng đúng đối với nhiều miền khác. Sông Lam, trên dòng chảy ở một số nơi, đã làm biến mất ruộng lúa nương dâu, bãi mía hoặc bãi ngô. Câu chuyện về Dương Liễu làm tôi nhớ lại mấy câu thơ sau đây của Victor Hugo:
"Và con sông Couesnon, vì sự cuồng điên của nó
Đã dời vùng Saint-Michel đến xứ Normandie".
Sự cuồng điên của sông Couesnon là nguồn gốc của những bất hòa hàng bao đời nay giữa vùng Bretagne và vùng Normandie, lý do là con sông con này ngày xưa là địa giới giữa hai tỉnh. Nhưng sự cuồng điên của con sông Lam đã gây nên biết bao cuộc xung đột gắt gao giữa nhân dân làng Dương Liễu và nhân dân các làng lân cận, bởi vì không biết làng nào được quyền chiếm giữ dải đất phù sa do sông Lam tải đến. Những sự xung đột này, quan công sứ Vinh cũ là ông Yves Châtel, hiện là Phó toàn quyền Đông Dương, chắc sẽ không bao giờ quên được, bởi vì Ngài đã ít nhiều bị quấy rầy nhưng nhờ tài ngoại giao của Ngài nên đã dàn xếp không để xảy ra những cuộc tranh chấp.
Khi cha Théodore Guignard đến An-Tĩnh, năm 1886, Ngài đã được chiêm ngưỡng một trong số bốn ngôi đền theo một phương ngôn của An-Tĩnh là đẹp nhất của An Nam. Đó là đền Triều Khẩu, thờ Lê Khôi, một danh nhân của thế kỷ XV.
Sông Lam đã tàn phá hoàn toàn làng Triều Khẩu, làm lở sâu vào phía tả ngạn, trên một chiều rộng hơn một cây số và cách bờ sông này cũng hơn một cây số, sâu 8 mét. ở đấy, có thể dò tìm được những phế tích của một ngôi đền tuyệt đẹp ở thế kỷ XV.
Thành Bình Ngô do Lê Lợi xây ở thế kỷ XV đã bị nước sông cuốn đi toàn bộ, ngày nay chỉ còn để lại dấu tích ở tên đặt cho một cái chợ.
Bị sông cuốn đi một nửa, Thành Nam xây dựng từ thế kỷ XIV chỉ còn lại cảnh hoang tàn.
Trong tất cả những ví dụ ấy về sự " cuồng điên" của sông Lam, có những điều rất quan trọng cần ghi nhớ để nghiên cứu về sự phục hồi quá khứ của "Lưu vực sông Lam".
Các nhà biên soạn cuốn Đại Nam nhất thống chí có thiếu sót lớn là bỏ qua những điều này.
Trong những thời kỳ xa xưa, Lam Thành đã mang tên là Long Thành. Nhưng từ khi Lê Lợi chiếm được Lam Thành (1423), nhân dân An-Tĩnh đã đặt tên cho sông này là sông Lam, và cũng từ đó, các quốc sử của các triều đại vẫn gọi là Sông Lam. Năm Minh Mạng thứ 17 (1837), người ta đã chạm hình ảnh của sông Lam và các núi non bao quanh con sông vào một cái đỉnh đặt trước Thế miếu trong thành nội ở Huế; đỉnh này gọi là Tuyên. Và năm thứ 21 cũng thời Minh Mạng, sông Lam được liệt vào những con sông đẹp nhất của An Nam.
Với việc khám phá "Lưu vực sông Lam", người ta đãb phát hiện được những địa danh và đền đài. Công việc nghiên cứu đó sẽ do nhiều ngành khoa học khác nhau giải quyết, đặc biệt là khoa văn học dân gian (Folklore) và khoa lịch sử; nhưng nếu theo phương pháp này thì sẽ làm phân tán sự chú ý. Để có một trình tự trong suy nghĩ của chúng ta, tốt nhất là nên nhắc lại tất cả những sự kiện đặc sắc và miêu tả tất cả những địa điểm và đền đài miếu mạo đáng được xếp hạng, theo ba tiêu đề của các chương sau đây: 1 -Núi non; 2 - Các đền đài miếu mạo; 3 - Các thành trì.
CÁC NÚI NON KỲ THÚ
Chúng ta nhớ nhất là những ngọn núi mà nhà sử học không thể bỏ qua được:
Núi Hùng (Hình CXXII ở dưới). Là ngọn núi có độ cao 169 trên các bản đồ tỷ lệ 1/100.000, tên Nôm gọi là Rú Thành. Đường xe lửa vòng về phía Tây để băng qua sông Lam bằng cầu Yên Thái. Ngọn núi ngày nằm trên các địa phận làng Nghĩa Liệt và Phú Điền thuộc phủ Hưng Nguyên.
Trong truyền khẩu dân gian, người ta hay gọi Hùng Sơn là "Núi Đồng Trụ" mà chúng ta đã nói đến ở Tập san số 2, tháng 4-6 năm 1935. Hai chương dành để nói về các "đền đài miếu mạo" và "các thành trì" sẽ giúp cho chúng ta sống lại với toàn bộ lịch sử của thắng tích này.
Núi Hùng Lĩnh (Hình CXXII ở trên). Chính Mai Hắc Đế - vua Đen đã mất ở nơi này vào thế kỷ thứ VIII. Về ông vua này, tôi đã nêu thành một vấn đề thuộc phong tục học trong Tập san số tháng 4-6 năm 1935.
Ở chân phía Nam của ngọn núi, có một trong hai ngôi đền thờ Hắc Đế. Đền chính thì ở địa điểm cũ của "Vạn An Thành", thành này do vua Mai xây đắp. Chúng tôi sẽ đề cậptoàn bộ các vấn đề này trong những chương dành để nói về "đền đài miếu mạo" và "thành trì".
Núi Đại Huệ. Ngọn núi này nằm ở địa phận làng Nộn Hồ huyện Nam Đàn, rất đặc sắc vì trong động Thăng Thiên có chùa Đại Huệ. Gần đó có một cái đèo, trong thời kỳ tàn sát những người theo đạo, các cha cố ở Xã Đoài đã trốn ở đây để về Tràng Đen.
Núi Hồ (làng Thanh Thủy, huyện Nam Đàn). Ngọn núi này nhắc lại một giai đoạn của cuộc chiến tranh Lê - Mạc. Dưới thời Gia Thái đời vua Lê Thế Tôn (1573 - 1599), Nguyễn Cảnh Mô, Quận công Tấn Quốc, đã phòng vệ cho ngọn núi này. Một vài dấu tích của thành lũy nay vẫn còn.
Núi Thiên Nhẫn. Chúng ta sẽ có dịp nói nhiều về lịch sử của dải núi này khi đề cập đến các "thành trì" và "con đường thượng đạo" (Hình CLXXIV).
Đây không phải chỉ là một ngọn núi mà rõ ràng là cả một dải núi kéo dài từ "xứ" Tương Dương cho đến Ngàn Sơn, một chi lưu của sông Lam. Như vậy là về phía Tây, dải núi này là phân giới liên tiếp của thung lũng sông Lam kể từ "xứ" Anh Sơn mà ở đây con sông đã bỏ hướng Tây Bắc – Đông Nam để chảy về phía Nam.
Dọc theo dãy núi Thiên Nhẫn, là "con đường thượng đạo", đường được dãy núi che khuất. Con đường và dãy núi cùng với đường hào của sông Lam hình thành một hệ thống phòng thủ tự nhiên mà Lê Lợi đã đóng giữ suốt thời kỳ cuộc "Chiến tranh sáu năm " chống tướng quân nhà Minh (1418 - 1423). Thời kỳ ấy chiến trận chính là An-Tĩnh. Từ cuộc chiến đấu này, chỉ huy sở của Lê Lợi đã lấy tên Lục Niên Thành, nghĩa là "Thành sáu năm".
Người An Nam chỉ biết gọi dãy núi này là "nghìn ngọn", nghĩa là, theo truyền khẩu dân gian, Thiên Nhẫn gồm có 999 ngọn núi tập hợp lại giống như một "bầy ngựa đuổi nhau". Ba ngọn núi cao nhất gọi là "Tam Thái". Chính từ nơi pháo đài thiên nhiên này mà Lê Lợi đã chỉ huy các đợt đánh phá chống quân Tàu phòng thủ ở tả ngạn sông Lam. "Lục Niên Thành" nằm trên sườn của một trong ba ngọn núi ấy, gọi là Động Chủ. Giữa các ngọn núi của Thiên Nhẫn có nhiều đường hẻm song song với sông Lam và "con đường thượng đạo". Người ta thấy rõ ràng yếu địa của Lê Lợi lợi hại biết bao. Có một con đèo có thể đi từ Tam Thái - cửa vào phía Đông quay mặt về phía các vị trí của quân Tàu, gọi là "Cửa Tiền" (Đông). Cửa này vào rất khó (Hình CLXXV ở trên, cho ta một ý niệm về vấn đề này. Có một dòng thác đẹp tô điểm cho quang cảnh vùng này. ở phía Tây là nơi có "cửa Hậu". ở cửa này, nhìn thấu đến phía Tây có "con đường thượng đạo" băng qua.
Núi Hoàng Bang. Ngọn núi này nằm trên địa phận làng Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Năm thứ ba thời Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tôn (1740 - 1786), Nguyễn Chính Đông, Quận công của Đinh Quân xây dựng đồn lũy phòng vệ cho thành Hoàng Bang, trong thời kỳ này đánh nhau với Lê Duy Mật. Cần nhớ rằng Lê Duy Mật từ Đàng Ngoài vào An-Tĩnh bằng "con đường thượng đạo". Ngày nay, người ta còn phát hiện được dấu tích các công trình phòng vệ của Chính Đông.
...còn nữa...