
...Ngày nay, người ta còn phát hiện được dấu tích các công trình phòng vệ của Chính Đông...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
Thiên II
CHƯƠNG 5 - Lưu vực sông Lam
(Từ trang 164 - 174)
II. VÙNG TRÀNG ĐEN
Đây là một miền núi non, không còn cây cối và chỉ có ít cư dân, con đường hàng tỉnh số 47 chạy qua đây. Đường này ôtô không đi được, nối liền lị sở của huyện Nam Đàn với lị sở của phủ Anh Sơn thông qua đèo Truông Bồn. Thôn Tràng Đen nằm phía trước đèo ấy, xuất phát từ Nam Đàn và thuộc làng Đông Liệt, tổng Xuân Liễu.
Vùng này cần được khảo sát vì hai lẽ:
a) Tại đèo, ngày xưa có một thành trì để bảo vệ nó, nay vẫn còn ít dấu tích. Công trình phòng vệ này có lịch sử của nó chủ yếu trong thời kỳ chiếm đóng của nhà Mạc (1527 - 1592).
b) Tràng Đen là nơi ẩn náu của các giám mục Xã Đoài, của những người truyền giáo và các giáo dân, nhất là lúc có các cuộc sát hại các cố đạo vào cuối thế kỷ XVII và đầu XVIII.
Tại Tràng Đen, hội truyền giáo có một đồn điền, Cha Théodore Guignard, người bạn quá cố của tôi, đã nói với tôi rằng tại vùng Tràng Đen có các ngôi mộ những giám mục đầu tiên của Xã Đoài.
Tôi phải từ giã Vinh trước lúc có thể làm rõ vấn đề này. Theo đề nghị của tôi, người bạn đồng sự là ông Plumet, thanh tra học chính tỉnh Nghệ An, tỏ ý muốn trả lời vấn đề đó đã chuyển đến cho tôi các tài liệu do các cha cố P.P. Laygue ở Xã Đoài và G.Lebourdais ở Hà Nội cung cấp. Đó là những tài liệu đã thu thập được mà tôi cần phải trình bày cho độc giả biết.
Tại Tràng Đen không có một dấu vết gì về mồ mả cả, và chẳng ai biết được các giám mục đầu tiên đã an táng ở đâu. Cách đây bốn hoặc năm năm, khi đào một cái hố để trồng cà phê, người ta đã tìm được một cái tiểu bằng đá cẩm thạch đẽo rất khéo đựng hài cốt. Cái tiểu này dài khoảng 40cm, rộng 20cm và cao 30cm. Các hài cốt ở trong đó có phải là của các giám mục không? Cũng có thể nhưng chẳng có gì để đảm bảo cả. Cái tiểu vẫn còn nằm chỗ cũ. Một số dữ liệu có được về Tràng Đen cũng cho ta hiểu một cách dễ dàng nơi này, bởi vì các cuộc nổi loạn và những cuộc chém giết đã buộc các giám mục, các nhà truyền đạo và các giáo dân phải dời chỗ liên tiếp, do đó Tràng Đen chỉ là nơi cư trú nhất thời, và có lúc trong một thời gian khá dài không hề có ai đặt chân đến.
Hai giám mục đầu tiên của Xã Đoài là Bélot và Guisain. Về cuộc đời hai vị giám mục này, các hồi ký của Hội truyền giáo ở nước ngoài của Paris và Tập san công giáo của Hà Nội (1922) có nói như sau:
Bélot hay Bellot, Edme, sinh ngày 10 tháng 5 năm 1651 tại xứ Saint Pierre, ở Avallon (Yonne), thụ phong linh mục năm 1678 và đến Đàng Ngoài ngày 22 tháng 12 năm ấy. Ngài ở tại Hà Nội một thời gian, đi khắp tỉnh và đã nổi danh bởi sự lanh lợi, tính lo xa và lòng bác ái của mình.
Ngày 20 tháng 10 năm 1696, Ngài được cử giữ chức cha xứ của Basilée và Phó giám mục giúp việc cho Tổng giám mục De Bourges. Mãi đến năm 1700, sắc dụ của Đức giáo hoàng mới tới xứ Đàng Ngoài, Ngài được thụ chức giáo chủ tại Hưng Yên ngày 8 tháng 1 năm 1702. Đến ngày 2 tháng 2, Ngài làm lễ thụ chức cha xứ dòng Dominicain Lezzoli tại Kẻ Sặt. Mặc dù tận tuỵ với các giáo sĩ bản xứ và có nhiều đức tính đáng khen cũng như công lao đóng góp, Ngài vẫn không tán thành việc thụ phong chức giám mục cho Joseph Phước, thầy cả người Đàng Ngoài. Người phải đau đớn chịu đựng cảnh cấm đạo và ngược đãi giáo sĩ năm 1706.
Năm 1712, bị bắt tại Hưng Yên, người ta hỏi cung rất dài, Ngài đối đáp rất bình tĩnh, tỏ ra rằng kể từ lúc đặt chânlên đất Đàng Ngoài, những cha cố người Pháp đi truyền đạo chưa hề phạm một điều gì đáng chê trách cả. Tuy thế, Ngài cũng như Giám mục De Bourges bị trục xuất ra khỏi xứ Đàng Ngoài.
Cả ba người xuống tàu ngày 21 tháng 1 năm 1713, có ba ông quan đi theo, nhưng khi đến cửa sông Hồng, mấy ông quan lên bộ trở về. Các cha cố lợi dụng chuyến đi ấy, khi đến gần bờ biển tỉnh Thanh Hóa, thì Bélot và Guisain nhảy lên một chiếc thuyền đến đón họ và trở lại Đàng Ngoài. Người ta nói rằng mấy cha cố bị đi đầy đó đã trốn lên trên tầng cao một tu viện của nữ tu sĩ để cho không ai biết. Từ khi đó, Đức cha hình như ở Thanh Hóa và Nghệ An.
Năm 1714, Ngài giữ chức giám mục giáo phận và cũng năm ấy Ngài yêu cầu La Mã cử Guisain qua đây làm phó để giúp việc cho mình.
Mãi đến năm 1718, Guisain mới được cử nhận chức vụ đó. Tổng giám mục Bélot mất tại Tràng Đen (Nghệ An) ngày 2 tháng 1 năm 1717 và hồi đó người ta đồn rằng, sau lúc đến cầu khấn tại mộ phần của Ngài, đã có nhiều trường hợp khỏi bệnh một cách kỳ lạ.
Ngài đã viết nhiều bức thư mà ông Rousseille có trích dẫn nhiều đoạn trong tập hồi ký năm 1869. Giám mục Guisain (1718-1723) cũng như Jacques De Bourges, Franỗois Gabriel Guisain là người Paris, một trong những gia đình quý tộc nổi tiếng nhất. Ngài sinh năm 1665. Cha Ngài, trạng sư tại pháp viện, cố vấn của nhà vua, phản đối kịch liệt việc Ngài có thiên hướng đi theo con đường nhà dòng và về sau vẫn tiếp tục tỏ thái độ không bằng lòng nên tiền nong thường là gửi chậm trễ. Nhưng thiếu thốn và nghèo túng cũng như tình thương đằm thắm với người thân đã không thể nào ngăn cản được sứ đồ đi theo tiếng gọi của thượng đế hoặc làm cho họ phải luyến tiếc về một sự hy sinh đã cống hiến.
Ngài rời nước Pháp năm 1689, đến Đàng Ngoài bình an vô sự và sau một thời gian ngắn đã đến nhận trách nhiệm ở miền Tây Thanh Hóa và Nghệ An và đã trải qua nơi đây hầu như cả cuộc đời giảng đạo và làm giám mục. Nhanh nhẹn, hoạt bát, Ngài không hề bỏ sót một nhiệm vụ nào trong địa hạt Ngài cai quản: trông coi thánh lễ, chăm sóc con chiên, giảng đạo cho đồng bào lương. Những việc ấy chiếm hết thời gian cả ngày lẫn đêm. Lúc này, cùng với các đồng nghiệp, Ngài còn tham gia vào việc xây dựng điều lệ của Hội. Nhiệm vụ cao nhất và trước tiên của Ngài là chăm lo đến việc đào tạo đội ngũ thầy dòng bản xứ: lựa chọn thiên hướng, dạy dỗ học sinh trường Latinh, quản lý các thầy giảng và thầy cả đặt dưới quyền mình và chính về mặt này có rất nhiều bức thư kể lại công lao của Ngài. Đó là nguồn an ủi quý giá nhất đối với Ngài.
Ở xa triều đình, nhưng khôn ngoan, biết lo lắng trước trong những hoàn cảnh bắt buộc, sống cách biệt với các nhà cầm quyền địa phương, Ngài đi giảng đạo trong khoảng hai mươi năm ròng mà không để xảy ra những rắc rối lớn. Ngay cả trận phong ba năm 1705, nhờ lòng nhân từ của quan thủ hiến tỉnh, nên hồi đó ở Nghệ An, Ngài cũng không gặp chuyện gì cả. Nhưng năm 1712, vì một vài lý do nào đấy, Ngài rời khỏi địa phận đang cai quản, nên đã bị bắt ở Hưng Yên cùng với các giám mục De Bourges và Bélot, rồi bị tra vấn nhiều và cuối cùng bị trục xuất ra khỏi nước.
Chúng ta biết Ngài đã giấu mình như thế nào trước các nhà chức trách, khi trở về địa hạt mình phụ trách và cùng với giám mục Bélot, đã can đảm dựng lại cảnh hoang tàn chồng chất do việc cấm đạo gây nên. Giám mục của Balisée trở thành người bề trên của phái bộ truyền giáo, liền đưa Ngài về làm phó giám mục, rồi trong năm 1715, phong Ngài lên chức giám mục giáo phận trong lúc chờ quyết định của Tòa Thánh.
Không may Ngài qua đời (1717) trước khi La Mã trả lời và miền Tây xứ Đàng Ngoài ở trong tình trạng không có người đứng đầu. Tính ra đến năm ấy, Franỗois Guisain đã sống ở xứ này 28 năm, có rất nhiều kinh nghiệm được các giáo sĩ bản xứ và con chiên tin yêu. Ngài có thể nhận trước nhiệm vụ giám mục giáo phận để nắm lấy quyền cai quản địa hạt và sẽ được phục tùng. Với thái độ khiêm tốn và tinh thần thân thiện, Ngài muốn được đặt dưới quyền của một giám mục người Italia trong Hội truyền giáo.
Một thời gian ngắn, công việc và tương lai của Hội truyền giáo ở nước ngoài của Pháp tại xứ Đàng Ngoài hình như bị đe dọa. Guisain và các bạn đồng nghiệp rất lo phiền cho quyền lợi của quốc gia, vừa lúc thư của La Mã đến. Đề ngày 3 tháng 12 năm 1718, Thánh thư đặt chức giám mục giáo phận cho giám mục Laranda và giám mục giáo phận của miền Tây xứ Đàng Ngoài. Do nhiều hoàn cảnh khác nên lễ nhận chức bị chậm lại, cho đến ngày 4 tháng 5 năm 1721 mới tổ chức được ở Kẻ Sặt. Đây là nơi ở của giám mục Đàng Ngoài thuộc dòng Saint Dominique. Nhưng vị giám mục mới không đợi đến lễ ấy mới nhận chức. Đối với công việc của các thầy dòng người bản xứ, Ngài vẫn tiếp tục đóng góp phần lớn công sức của mình. Ba người Pháp giúp việc cho Ngài là Saint Hilaire tại Nghệ An, Cordier và Néez tại Vĩnh Trị, nhận nhiệm vụ giảng dạy trong các trường học Latinh. Chính Ngài rất cố gắng tăng cường số lượng thầy giảng giáo lý và chăm sóc chu đáo đến đức hạnh và chính giáo của các linh mục người Đàng Ngoài, bảo vệ họ trong một số trường hợp bị xâm phạm.
Những công việc ban đầu đều vì mục đích chủ yếu của Hội truyền giáo ở nước ngoài và vì lòng ái mộ cao cả nhất đối với đạo giáo, giám mục Laranda cũng không có những hoàn cảnh thuận lợi và thời gian cần thiết để mở rộng các công việc ấy. Sau lúc đi dự lễ chúc thánh trở về, tại giáo phận cũ là đất Nghệ An, Ngài ở đấy chỉ mấy tháng, thì bỗng đâu vào cuối năm 1721, ngọn lửa cấm đạo lại nhóm lên. Thật là một cảnh tượng buồn thảm nhất mà nhà thờ Đàng Ngoài phải chịu đựng. Theo chỉ dụ của nhà vua thì khắp trong nước hễ ai đi truyền đạo đều bị kết án tử hình. Trong suốt hai năm, người ta trừng trị một cách khốc liệt những người đi giảng đạo, các linh mục người bản xứ, các thầy giảng giáo lý. Người ta buộc những người bị bắt - để ly khai với lòng tin ào đức Chúa, phải dẫm chân lên thập giá; các quan lại không tha thứ cho một mưu mẹo, tà thuật nào. Lần đầu tiên, tòa án tuyên án tử hình. Có hai thầy dòng P.P.Messart và Bucharelli bị bắt giải ra Hà Nội và bị kết án xử trảm. Người thứ nhất chết trong tù, người thứ hai ra pháp trường ngày 11 tháng 10 năm 1725, cùng với bốn thầy giảng giáo lý và năm giáo dân người An Nam. Nhiều tín đồ khác thì bị cầm tù, bị đi đầy hay phải nhận những công việc cực nhọc nhất; các nhà thờ và những nơi ở của linh mục đều bị cướp phá hoặc tiêu hủy.
Nhưng ở Nghệ An, giám mục Guisain và các người đi giảng đạo đã thoát khỏi sự truy lùng của những người sát đạo. Cảnh tượng của phái bộ đi truyền đạo bị ngăn trở, bao hy vọng của Ngài xiêu đổ, nỗi đau đớn do nhiều trường hợp bội giáo gây nên, tất cả những cái đó đã làm tiêu tan uy thế của giám mục đáng tôn kính và ngày 17 tháng 11 năm 1723, Ngài trút hơi thở cuối cùng tại Tràng Đen. Làng này đã chứng kiến cái chết của người đi trước, giám mục Bélot.
Câu chuyện này của Tràng Đen buộc tôi phải công bố câu chuyện về phái bộ truyền giáo của Nghệ An mà tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ tận tình của Cha Victor Barbier (ngày 25 tháng 8 năm 1929).
Tháng 3 năm 1692, các cha Rhodes và Marquez bị đuổi khỏi Đàng Ngoài và phải vào Đàng Trong.
Vào đầu tháng 4 họ đến Nghệ An tại Cửa Cần thuộc "xứ" Diễn Châu. Họ chỉ cần lên bến, cũng như ở Cửa Sót của Hà Tĩnh ngày nay, các cha cố đều được dẫn tới nơi giáp giới với xứ Đàng Trong (Bắc Quảng Bình ngày nay).
Ít sau, De Rhodes và người bạn đồng hành trở về Nghệ An. Họ được quan thủ hiến tỉnh đón tiếp chu đáo và sau khi dự đoán trước các kỳ của nhật thực ngày 25 tháng 8 tới và những điều phỏng đoán ấy hoàn toàn chính xác, quan thủ hiến tỏ rõ thái độ tôn trọng và đảm bảo che chở cho hai giáo sĩ này. Nhờ vậy mà họ đã làm phép rửa tội cho 600 người.
Sau chuyến đi Đàng Ngoài được nhà vua cho phép, họ trở lại Cửa Cần một lần nữa và đã làm phép rửa tội cho 22 giáo dân ở đây.
Vậy là, đúng ba trăm năm, ngày này qua ngày khác, những người truyền đạo đầu tiên của Nghệ Tĩnh đã đi khắp vùng đất này.
Việc truyền đạo tại tỉnh này đạt được những tiến bộ lớn cho nên đúng mười năm sau, 70 làng hay từng phần của làng đã trở thành công giáo.
Ba mươi năm sau khi cha De Rhodes đến Nghệ An, phái bộ truyền giáo ở Đàng Ngoài đã chuyển công việc này cho giám mục địa phận và giao cho Franỗois Pallu của Hội truyền giáo ở nước ngoài trông nom. Ngài cai quản nhà thờ này hai mươi năm (1659 - 1679).
Ngày 25 tháng 11 năm 1679, xứ Đàng Ngoài chia ra làm hai: Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài.
Miền Tây Đàng Ngoài được giao cho các phái bộ truyền giáo ở nước ngoài của Paris, bắt đầu từ Lào Cai, Việt Trì, Hà Nội đến tận sông Gianh (tỉnh Quảng Bình). Như vậy là từ Hà Nội, giám mục địa phận sẽ cai quản cho đến tỉnh Nghệ Tĩnh. Để tiến hành gấp rút công việc, các giám mục đầu tiên đã tổ chức ngay từ đầu những thầy cả người bản xứ. Những thầy giảng giáo lý ít ra phải từ bốn mươi đến bốn lăm tuổi, biết đọc tiếng Latinh để trông nom thánh lễ, thì được thâu nhận vào làm thầy cả. Một cố đạo cũ nói về các thầy cả bản xứ như sau: "Họ rất đáng khen về sự sốt sắng, lòng nhân từ, đức khôn ngoan, chí vững vàng và tính vô tư". Thật đúng như vậy, họ được xem như là một trong những chỗ dựa chủ yếu và là bộ mặt đẹp nhất của phái bộ truyền giáo ở miền Tây Đàng Ngoài. ở đây, họ sẽ làm việc lâu dài và có những đóng góp quan trọng.
Giám mục địa phận, ở xa các tỉnh miền Nam như vậy, nên thường cử phó giám mục thay, như thế là có nhiều giám mục mất ở Nghệ An: Tổng giám mục Bélot mất tại Tràng Đen năm 1717; Tổng giám mục Devaux tại Thọ Kỳ (Hà Tĩnh ngày nay) năm 1756 và Tổng giám mục La Mothe tại Kẻ Tràn năm 1816.
Các thầy dòng đến Đàng Ngoài năm 1676 và từ đấy họ đã vào Nghệ An. Mãi đến cuối thế kỷ XVIII, người ta còn gặp họ ở nơi đây. Từ đó trở đi, những người truyền giáo ở Nghệ An đều là những cha cố của Hội truyền giáo ở nước ngoài của Paris.
Giáo dân tại tỉnh này mỗi ngày một đông. Nhưng trong bốn năm cuối dưới triều Tây Sơn (tháng 8 năm 1798 đến tháng 7 năm 1802), họ đã bị một đợt thảm sát ghê gớm: tất cả các nhà thờ, trụ sở của giám mục, các nhà Chung của Nghệ Tĩnh hầu như bị phá hủy gần hết. Khi đó, Tổng giám mục La Mothe ở tại trường Lý đoán Tràng Nứa (gần Xã Đoài ngày nay). Ngài trốn thoát được là nhờ một ông quan người công giáo. Trường Lý đoán ở Tràng Nứa cũng ngừng hoạt động kể từ đó.
Cho đến thời kỳ này, trung tâm hoạt động của Phái bộ truyền giáo ở Tràng Đen, một làng nhỏ (xứ Quy Chính, địa hạt Vạn Lộc), là nơi mà nhiều giám mục đã chết và được an táng ngay tại đây.
Năm 1812, Nghệ Tĩnh có 45.680 giáo dân. Theo bức thư đề ngày 23 tháng 6 năm 1839 của Tổng giám mục Retord gửi cho La Mã, chúng tôi biết được rằng giáo dân Nghệ Tĩnh tốt hơn cả và họ đã chịu đựng trong năm ấy một cuộc sát đạo ghê gớm. Đức cha Masson ở Nghệ An đã viết ngày 10 tháng 6 năm 1842 như sau:
"Các giáo dân của chúng ta đều dày dạn trong cảnh hiểm nghèo. Những lần đầu khi nghe nói đến việc xử tử thì họ khiếp sợ không kể xiết; họ sợ đầu rơi. Ngày nay, một cố đạo bị bắt, nỗi đau đớn của mỗi người lại tử vì đạo đối với họ cũng chỉ là một việc xảy ra như những việc khác. Họ nói đến vấn đề này không hề động lòng. Họ lấy làm hãnh diện có thêm một người làm chứng mới hiến dâng cho đức Chúa Jesus và thêm một vinh hiển cho nhà thờ của họ".
Ngày 27 tháng 3 năm 1846, tòa giám mục địa hạt miền Tây xứ Đàng Ngoài được thành lập (ngày nay là Phái bộ truyền giáo ở Vinh). Giáo hạt mới gồm có Nghệ An, Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình cho đến sông Gianh, giám mục Gauthier, người giúp việc cho Đức cha ở Hà Nội được cử làm giám mục địa phận. Ngài nhận chức tháng 2 năm 1847.
Trong tuần chay của năm ấy, các cha Taillandier và Collombert được cử đến phụ trách các dân tộc thiểu số ở Trấn Ninh, nhưng không đạt được kết quả gì. ít lâu sau, Collombert chết vì sốt rét rừng (ngày 24 tháng 4 năm 1854). Hình như Taillandier có làm được một số việc, nhưng ngày 11 tháng 5 năm 1856 ông mất tại Kỳ Sơn. Do không có người làm công việc truyền giáo, nên điều dự tính đầu tiên trong việc truyền giáo tại các dân tộc thiểu số ở đây đã bị hoãn lại.
Năm 1874, tại Nghệ Tĩnh có tình trạng sát hại đạo ghê gớm. Khoảng chừng 2.000 giáo dân đã bị giết. Giám mục Gauthier đã tỏ ra rất oanh liệt và đã kiên tâm bảo vệ các tín đồ.
Những người truyền giáo không sống lâu được. Họ ở trong những túp lều, thường là sống trên đò, ăn cơm với ít cá hoặc rau dại, họ phải chịu đựng quá nhiều thiếu thốn, cho nên sớm bị suy kiệt về sức khỏe và phần đông đã không mục vụ được quá mười lăm năm.
Giám mục Gauthier mất ngày 8 tháng 12 năm 1877, thọ 67 tuổi, sau một nhiệm kỳ dài và đạt kết quả. Phái bộ truyền giáo ở Vinh được may mắn có ngay từ đầu một con người có nghị lực và có khả năng để đứng đầu trong 31 năm (1846- 1877). Ngài đã để lại trong hàng ngũ tín đồ những kỷ niệm sâu sắc cũng như sự khâm phục và kính nể.
Phó giám mục đầu tiên của giám mục Gauthier là Masson mất năm 1853. Người thứ hai là giám mục Croc kế tục sự nghiệp của Masson và điều khiển phái bộ cho đến năm 1885 (từ 8 tháng 12 năm 1877 cho đến 11 tháng 10 năm 1885).
Trong thời gian giám mục Croc còn tại chức, đã nổi lên một phong trào sát đạo ghê gớm gọi là "phong trào văn thân" (1884 - 1885), giết mất ba cố đạo người Pháp, rất nhiều linh mục người bản xứ và thầy giảng giáo lý và khoảng chừng 6.000 giáo dân. Một số lớn nhà thờ bị đốt cháy, biết bao nhà chung bị tàn phá.
Năm 1886, giám mục Pineau nối quyền giám mục Croc và cai quản địa hạt Vinh cho đến năm 1910.
Mấy năm trước khi xảy ra chiến tranh của các văn thân, vào năm 1883, cha Blanck phụ trách đám người Mường của thung lũng sông Cả. Đám người này đã bị các toán quân Tàu đánh tán loạn, cha Pédemon đã tập hợp họ lại năm 1888 gần cửa sông Con (Phủ Quỳ), từ nơi đây cha Guignard đã đưa họ đến cư trú xung quanh Cửa Rào. Người cha thân thiết đã sống với họ trong 15 năm, có thể được coi như là người sáng lập ra phái bộ truyền giáo ở đất Mường tại Vinh.
Từ năm 1884 đến năm 1892, giặc giã đã tiêu hủy mất 278 làng của địa hạt giáo dân.
Năm 1893, theo điều tra dân số giáo dân thì con số là 95.673 người.
Giám mục Pineau từ chức năm 1910. Người nối nghiệp là giám mục Belleville nhận chức từ năm 1911 đến tháng 7 năm 1912.
Cuối năm 1912, giám mục Eloy nhận chức giám mục địa hạt xứ Vinh.
Cuộc điều tra giáo dân năm 1928 cho biết có 142.395 con chiên. Tại Mường sau 40 năm truyền đạo, con số giáo dân vẫn xấp xỉ như vậy.