
... Cuộc điều tra giáo dân năm 1928 cho biết có 142.395 con chiên. Tại Mường sau 40 năm truyền đạo, con số giáo dân vẫn xấp xỉ như vậy...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
Thiên II
CHƯƠNG 5 - Lưu vực sông Lam
(Tiếp theo từ trang 174 - 183)
NHỮNG THẮNG ĐỊA VÀ ĐỀN ĐÀI NỔI TIẾNG
Chúng ta hãy nhắc lại câu phương ngôn nói lên niềm tự hào của An-Tĩnh vì có bốn ngôi đền đẹp nhất An Nam.
Đền Cần; Đền Quả; Bạch Mã; Chiêu Trưng.
Về Đền Cần tôi đã trình bày một bản tóm tắt ở Chương I: Xứ Diễn Châu. Đền Quả và Bạch Mã sẽ là đầu đề của đoạn nói về "Xứ Anh Sơn". Chiêu Trưng thì không còn nữa, sông Lam đã cuốn mất vào cuối thế kỷ XIX.
Mở đầu cho các chuyến đi, chúng tôi đến thăm đền Độc Lôi ở cuối phía Nam dãy núi Hữu Biệt. Sau đó đi ngược tả ngạn sông Lam, từ Triều Khẩu cho đến Sa Nam, huyện lị của Nam Đàn. Cuối cùng sẽ tìm hiểu những đền đài ở hữungạn. Như vậy là chúng tôi không đi ra khỏi "xứ" Nam Đàn, rõ ràng đó là miền tàng lưu nhiều chứng tích nhất về một quá khứ huy hoàng của An-Tĩnh. Và để kết thúc các chuyến đi, chúng tôi sẽ đến tìm hiểu "xứ" Anh Sơn là miền thủ phủ cũ của An-Tĩnh. Hai xứ khác là "xứ" Thanh Chương và Tương Dương, theo như tôi biết, thì chẳng có một đền đài nào đáng được liệt hạng cả.
Đền Độc Lôi. - ở chân núi Độc Lôi, làng Hữu Biệt, huyện Nam Đàn, có một ngôi đền được dựng lên theo sắc chỉ của nhà vua (Hình CXXIII, ở dưới và CXXVI).
Dưới triều Hậu Lý (1010 - 1225) có một vị tướng thuộc họ Phạm đã đóng ở đây trong thời kỳ đánh nhau với người Mán của miền thượng du An-Tĩnh. Vị tướng đó mất đi đâu không biết sau "một tiếng sét", từ đó tên Độc Lôi đã được đặt cho ngôi đền và ngọn núi. Đằng sau ngôi đền là một "rừng thiêng", do đó cây cối luôn luôn được bảo vệ.
Đó là theo truyền khẩu dân gian. Nhưng tiểu sử xác thực của vị anh hùng vẫn là một điều bí ẩn mãi cho đến lúc mà các tài liệu cũ nói về những thời kỳ đầu của nhà Hậu Lý được phát hiện. Nhờ đó có thể khẳng định được là người anh hùng này đã nổi danh qua nhiều cuộc đánh nhau với Champa, chứng minh phần nào cho tượng đá tạc hình những “ông Phỗng", những anh chàng bụng phệ, đúng là những thủ lĩnh người Champa ở đền Độc Lôi đã được nói đến trong bài khảo luận của tôi dành riêng để nói về " ông Phỗng" trong Tập san số tháng 4-6,1935.
Đền Chiêu Trưng. - Đền này mang tên "Chiêu Trưng Vương", tước vị truy phong cho Lê Khôi.
Đã bốn lần người ta đề cập đến vị anh hùng này. Đầu tiên ở Tập san số tháng 4-6 năm 1934, trong các cuộc thảo luận về những "nhóm tộc người nguồn gốc Champa" và các “ông Phỗng". Tiếp đó, trong cuốn sách này, trước tiên ở đoạn nói về đền núi Long Kim nằm ở đất Hà Tĩnh, và sau hết là trong bài Dẫn nhập khi nghiên cứu về "Lưu vực sông Lam" nhân lúc nói đến những lần đổi dòng của sông này.
Chúng tôi cũng không phải kể lại một cách dài dòng lần nữa tiểu sử của Lê Khôi. Chỉ cần nhắc lại là Ngài nổi danh vào đầu thế kỷ XV, trong các cuộc chống trả với quân Tàu và quân Champa. Còn nói về ngôi đền dựng lên từ thời kỳ ấy, nó đã bị chôn vùi trên nửa thế kỷ ở giữa sông Lam sâu 8m, và theo lời của nhân dân truyền lại thì đền này là một trong những ngôi đền đẹp nhất của nước An Nam. Việc miêu tả ngôi đền sẽ ngắn thôi bởi vì không thấy có một văn bản nào nói đến nó cả. Một vài điều mà tôi sẽ kể lại về ngôi đền chính là nhờ cha Théodore Guignard đã quá cố cung cấp cho tôi.
Ngài đã được ngắm đền Chiêu Trưng lúc Ngài đặt chân lên đất Nghệ An năm 1886.
Dưới sông bước lên đền, trèo qua những bậc đá đồ sộ, hai bên câu lơn là những con rồng bằng đá cẩm thạch Thanh Hóa, thì đến ngay một lối đi rất đẹp giữa hai hàng cổ thụ tỏa bóng. Các tiền đường gồm có hai hàng quan lại tượng trưng cho đoàn người đi theo vua, voi và ngựa chiến, tất cả đều bằng đá cẩm thạch của Thanh Hóa. Đền có hình chữ Vương (vua chư hầu), tước vị cao quý truy tặng cho Lê Khôi. Những đường chạm trổ của các đường xà thật tuyệt đẹp. Trong đền có nhiều đồ vật quý.
Trận lụt lớn đã cuốn mất đền Chiêu Trưng, người ta chỉ cứu được tượng của Lê Khôi, tấm bia ghi lại tiểu sử của Ngài và những “ông Phỗng", hình ảnh của những người nô lệ Champa mà Ngài đã đưa từ Champa về.
Các Hình CXXVII và CXXVIII chỉ có thể cho ta biết đến thế.
Theo tín ngưỡng của nhân dân thì các thủy thần đã làm hại Lê Khôi: Ngài chết tại Cửa Sót lúc ở thuyền bước lên; nơi đây một ngôi đền đã được dựng lên nhưng rồi không thờ Ngài ở đây được vì tiếng sóng vỗ đã ảnh hưởng đến các cuộc tế lễ và "quấy rầy" vong linh vị anh hùng. Sau cùng, Chiêu Trưng đã bị các cơn sóng thịnh nộ của sông Lam cuốn đi mất.
Mặc, Lê Khôi vẫn là "vị thần phù hộ" của Triều Khẩu mà Ngài đã lập trên lãnh địa của mình vào thế kỷ XV. Vả lại, ngày nay làng này chỉ còn lại một phần rất nhỏ do những "cơn thịnh nộ" của sông Lam, và ngôi đền mới này vẫn chưa xứng với con người kiệt xuất.
Đền vua Lê. - Ngôi đền này có từ thế kỷ XV, ở làng Lộc Điền, phủ Hưng Nguyên, giữa Triều Khẩu và Lam Thành.
Đền thờ Lê Thái Tổ (Lê Lợi - người khai sáng ra nhà Hậu Lê (1418-1433), hoàng hậu và hai người nối ngôi: Lê Thái Tông (1433-1442) và Lê Nhân Tông (1442-1459).
Chi phí cho ngôi đền do Nhà nước chịu, nhưng ngày nay nó chỉ còn chút ít ý nghĩa về quá khứ. Năm thứ 5 niên hiệu Gia Long (1805) tất cả đền thờ các vua triều Lê dựng ở Lam Sơn, làng quê của Lê Lợi (tỉnh Thanh Hóa), ở Lộc Điền (An-Tĩnh) và ở Hà Nội (Đàng Ngoài) đều đã được tập trung lại thành một ngôi thôi. Ngôi đền này dựng ở Kiều Đại, cách thị xã Thanh Hóa về phía Nam hai cây số.
Trong đền Lộc Điền, nay chỉ còn lại mấy bài vị của bốn nhân vật lớn nhất được thờ ở đây và những con hạc tượng trưng.
Đền dựng theo kiểu chữ ..........Vương để thờ các danh nhân có chức tước vua ban. Đền đã được tu sửa rất nhiều lần. Lúc đào bới sát xung quanh đền, tôi đã tìm thấy nhiều viên gạch kích thước rất lớn mà ngày nay không còn sản xuất nữa và những mảnh ngói. Ngói này gọi là ngói "mũi hài" bởi vì nó giống hình những chiếc guốc gỗ có mũi cong lên. Ngày nay ở An-Tĩnh không còn làm những loại ngói ấy nữa (Hình CXXX).
Hình CXXIX cho chúng ta một ý niệm về các cửa đền và sự trống rỗng của bên trong.
Đền An Quốc (Hình CXXXI ở trên). - Đền này dựng ở chân núi Lam Thành, làng Nghĩa Liệt. Nơi đây người ta thờ Nguyễn Biểu mà tiểu sử sẽ được nói lại ở mục III. Ngài là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của giai đoạn cuối nhà Trần (cuối thế kỷ XIV và đầu thế kỷ XV).
Chính tại những nơi đây, Nguyễn Biểu đã hy sinh trong lúc dự định chiếm Lam Thành. Người anh hùng đã trở thành vị thần phù hộ của Nghĩa Liệt.
Nhạn Tháp. - Tháp này vốn là đầu đề của một chú thích trong mục V của Tập san số 2, tháng 4-6 năm 1935. Lai lịch của nó còn chưa ai biết. Điều có thể tin được hơn cả là tháp này do Cao Biền dựng khi ông thay mặt nhà Đường cai trị Tĩnh Hải (Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ) từ năm 865-875.
Về di tích Nhạn tháp, bạn đọc có thể xem lại bài đăng trên Tập san số 2, tháng 4-6 năm 1935.
Đền thờ Mai Hắc Đế. - Tiểu sử của Mai Hắc Đế, tức là của vua Đen sẽ được kể lại ở mục III. Điều cần lưu ý ở đây là các đền đài dựng lên để thờ Ngài. Chúng tôi đã kể đến một trong những ngôi đền này ở đoạn nói về núi Hồng Lĩnh, nhưng đền này chẳng có gì là đẹp cả. Chỉ có một ngôi đền đáng được liệt hạng là ngôi đền dựng ngay ở nơi vua Đen đã đặt kinh đô của Ngài "Vạn An thành" mà chúng tôi sẽ nói ở chương dành cho thành trì.
Tôi đã có dịp nói đến ngôi đền này ở mục III của Tập san số những tháng 4-6 năm 1935. ở đây tôi chỉ còn phải nêu lên một ý về cái kỳ vĩ của đền và quang cảnh bên trong của nó (Hình CXXXIV và CXXXV).
Như vậy là ở phía ngoài có các tiền đường, cung môn, nhà chính giữa có gác chuông và hai ngôi nhà phụ. Trong đền, người ta thấy có kiệu sơn son thiếp vàng, đến ngày tế lễ hàng năm thì kiệu rước bài vị của Hắc Đế đi khắp làng. Trong tất cả các đồ vật để trong đền, chỉ có một cái có thể giúp ích cho nhà khảo cổ học và nhà sử học, đó là hai “ông Phỗng" đặt ở trước bàn thờ.
Về các tượng người Champa, đề nghị bạn đọc sẽ xem lại
Tập san số 2 của chúng tôi, số tháng 4-6 năm 1935: Mục III - Những nhóm tộc người gốc Champa, từ trang 192 đến trang 217, và Mục III - Những ông Phỗng, từ trang 219 đến trang 224.
Vị thần thành hoàng này của làng Sa Nam sống vào thế kỷ thứ VII thời nhà Đường cai trị An Nam. Tên Ngài chính là Mai Thúc Loan, nhưng biệt hiệu Hắc Đế, nghĩa là Vua Đen, do một địch thủ người Tàu đặt dựa vào nước da của Ngài. Có nhiều khả năng Ngài là gốc từ Champa, chứ không phải người An Nam. Điều này do những người dựng đền ở làng Sa Nam không biết (thế kỷ X), đã biến Mai Thúc Loan thành người An Nam và tôn làm thần phù hộ cho mình. Muốn giải thích sự nhầm lẫn ấy, và sự có mặt của tượng đá tượng trưng các tù binh Champa đứng trước một ông vua dòng giống Champa đã trị vì một thời gian rất ngắn trên đất An-Tĩnh vào thế kỷ thứ VIII, cần phải hiểu rằng dưới triều nhà Lý, ở thế kỷ XI, những tù binh Champa đã được đưa đến sinh cơ lập nghiệp trên địa phận huyện Nam Đàn; vào thế kỷ XIII, dưới triều nhà Trần, nhiều lớp tù binh khác người Champa đã được tập trung ở những làng khác. Các ông phỗng của đền Vua Mai có lẽ có lâu nhất thì cũng từ thế kỷ XI. Chắc chắn rằng các tượng này không phải cùng thời với Mai Hắc Đế. Kết luận lại, người ta có thể nói rằng: Do sự mê tín và thiếu hiểu biết của những người lập đền thờ ở Sa Nam đã khiến họ phạm phải một sự nhầm lẫn và phải tôn thờ một con người không phải thuộc nòi giống của mình.
Đình Hoành Sơn (Hình CXXXVI và CXLII). - Qua tất cả các chuyến đi ở đất nước An Nam, tôi chưa hề thấy "một ngôi đình" nào đẹp như đình này. Trước khi tả các đường chạm trổ tuyệt đẹp của nó, tôi sẽ kể những thần tích xung quanh việc dựng đình và trước tiên là thần tích về đắp nền như một người học trò cũ của tôi, quê ở Hoành Sơn, đã viết.
"Tất cả mọi người dân làng tôi sẽ kể cho các anh nghe là "ngôi đình" của chúng tôi được dựng lên theo sự điều khiển của một sứ thần của Long Vương.
"Có một hôm, vào lúc hoàng hôn, một đám mây to đen nghịt bỗng làm tối cả trời đất. Gió gầm dữ dội, bốc cả nhà tranh, nhổ cả cây to, sấm ran, sét đánh, chớp giật loé tia trong đêm tối dày đặc. Một cơn mưa như trút, kéo dài không dứt. Từ xưa tới nay, trong ký ức của con người, chưa bao giờ thấy có một thiên tai ghê gớm như vậy.
"Các bà già mê tín, rên rỉ và van xin vì sợ hãi: "Ôi! Trời ơi, trời hành chúng tôi như vậy sao?". Đối với tất cả mọi người, thiên tai này vốn là nhịp thở ra của Long Vương, Ngài nổi giận vì mấy người đánh cá trong làng vô ý đã kéo lưới mất mấy con cá "hoàng tử" hay "tôm chúa" đang đùa giỡn dưới nước sông Lam.
"Lúc mặt trời mọc, đất trời đã yên. Mấy cụ già đáng kính là những kỳ hào có uy tín, bèn ra ngoài đê xem xét trận lụt đã gây thiệt hại đến đâu cho các công trình trị thủy do tổ tiên chúng tôi đã xây đắp ở đây: con đê và các bờ đá của nó. Họ sửng sốt thấy rằng sông Lam đã tạo nên một cồn cát bao la ngay ở chân đê như muốn làm cho đê thêm vững. Và trên cồn cát này la liệt những cột lim tuyệt đẹp (gỗ sắt) và rất nhiều loại gỗ quý để kiến thiết.
"Trong mớ ngổn ngang của cải do sông mang lại, thì có một người thân hình cao lớn kỳ lạ, thiên sắc tuyệt vời, oai nghiêm bước tới. Trên lưng mang đầy dụng cụ thợ mộc và thợ chạm.
"Mấy cụ già đi đến đón người này, cúi mình trước ông ta và nói: "Ngài là ai?".
"Thần đáp lại giọng vui vẻ:
- "Vua Thủy Tề đã giao cho tôi nhiệm vụ dựng ngôi đình để đáp lại những công lao mà thành hoàng của làng các ông đã giúp Ngài trong việc bình định vương quốc".
"Các hào mục bèn chỉ cho thần chỗ đất lành để dựng đình. Đình được dựng lên nhanh chóng phi thường, chỉ có thánh thần mới được trời ban cho sự nhanh chóng ấy. Nhờ sự khéo léo thần kỳ của sứ giả Long Vương nên từ khi ấy làng chúng tôi mới có được một ngôi đình đẹp lộng lẫy mà không cái nào sánh kịp.
"Công việc làm xong, một hôm thần xuống tắm ở sông
Lam rồi biến mất dưới nước. Nhiệm vụ hoàn thành, thần đã trở về "vương quốc Thủy tề".
Ký tên: Nguyễn Đức Cần
Học sinh năm thứ ba trường Quốc học Vinh
(buổi học tham quan ngày 16 - 2 -1928)
...còn nữa...