
...Công việc làm xong, một hôm thần xuống tắm ở sông
Lam rồi biến mất dưới nước. Nhiệm vụ hoàn thành, thần đã trở về "vương quốc Thủy tề"...
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
Thiên II
CHƯƠNG 5 - Lưu vực sông Lam
***
NHỮNG THẮNG ĐỊA VÀ ĐỀN ĐÀI NỔI TIẾNG
(Tiếp theo từ trang 184 - 191)
***
Thật kỳ lạ! Huyền thoại xung quanh việc dựng đình đã làm cho tôi say sưa, nhưng cái cần nhớ ngay liên quan đến những công trình nghiên cứu của tôi về địa chất, là ở đây chuyện truyền khẩu dân gian đã đóng góp cho việc khảo sát những dòng chảy của sông Lam. Thật thế, đình dựng từ năm 1763 và từ huyền thoại này mà tôi nhớ ở đây dải cát hình thành trong một đêm khiếp sợ chính là công lao của sông Lam. Dải cát này vẫn có từ lâu nhưng nằm giữa nó và con đê, từ thế kỷ XVIII chỉ còn lại dấu tích của lòng sông cũ của sông Lam. Lúc đó con sông chảy qua dưới chân đê. ở trên khúc sông cụt hình thành từ thế kỷ XVIII này diễn ra những cuộc đua thuyền nhân ngày giỗ thần thành hoàng, người lập nên Hoành Sơn.
Sau này, khi nói đến đền Quả Sơn (đền Quả), chúng ta sẽ thấy làng này đã được thiết lập từ thế kỷ XI và trước thời kỳ ấy, sông Lam đã chảy qua địa phận làng ngày nay, giữa con đê và ngọn núi.
Đình Hoành Sơn ngày nay đã được xây dựng từ đời vua Lê Hiến Tôn (1740 - 1786). Công việc khởi sự vào một ngày lành tháng 12 năm Nhâm Ngọ, năm thứ 23 niên hiệu Cảnh Hưng, tức là tháng 2 năm 1763. Một vị quan to đã nghỉ hưu, tên là Đặng Thạc tước vị "Bá tước thông giám" mà ai cũng biết, đã dành một khu đất rất rộng để dựng đình. Ngài quê ở làng Hoành Sơn. Đặng Thạc bước vào làm việc quan từ tri huyện Kỳ Sơn thuộc châu Lào thân thuộc của Trấn Ninh. Cuối đời làm quan, Ngài được phong tước vị "Nam tước Quảng Ngãi" và được truy tặng "Bá tước thông giám". Hàng năm cứ đến ngày lễ trọng thể "kỳ phúc", làng đem dâng rượu và đồ tế phẩm để tế vong linh Ngài.
Chính "Bá tước thông giám" đã đích thân điều khiển mọi công việc xây dựng ngôi đình. Đầu và cuối của đình (các gian bên phải và bên trái) có hơi khác nhau bởi sự hoàn hảo và cái đẹp của những hình chạm, người ta cũng có thể nhận thấy điều đó do mấy tấm ván mà chúng tôi sẽ giải thích ở dưới. Đó là vì có hai hiệp thợ tuy cùng được giao những công việc làm như nhau, nhưng do một hiệp khéo tay hơn hiệp kia. Về vấn đề này, truyền thuyết mà tôi sắp kể đã giữ được bằng chứng về những xích mích đã xảy ra giữa hai hiệp thợ và tôi sẽ nói những kết luận nào tôi tưởng có thể rút ra được từ truyện truyền khẩu dân gian.
Trước tiên, người ta chỉ giao việc cho một người thợ cả rất giỏi về nghề mộc làm nhà và chạm trổ trên gỗ. Một buổi chiều có một người hành khất tên là Chuẩn đến xin người thợ cho trú lại đêm. Được một chỗ nghỉ trong công trường, anh ta đốt vỏ bào để sưởi ấm rồi nằm ngủ. Nhưng ngọn lửa đã thiêu mất một tấm gỗ tuyệt đẹp vừa chạm trổ xong. Lúc tỉnh dậy, người thợ tức giận vô cùng bèn túm lấy người hành khất và đưa trình các hào mục.
Chuẩn nói: "Tôi đã phạm khuyết điểm, tôi đáng phải chịu tội, nhưng theo tục lệ, tôi đề nghị hãy khoan trừng phạt. Tôi là thợ cả về nghề mộc làm nhà kiêm chạm trổ. Hãy cho tôi thử tài. Tôi làm hơn hiệp kia. Nếu tôi chỉ huênh hoang, tôi sẽ nhận tội và không dám phàn nàn những hình phạt của quý ngài.
Các hào mục đồng ý đề nghị đó. Chuẩn bèn gọi các thợ bạn tới. Rồi cả hai hiệp thợ bắt đầu vào việc nhưng công trường xa cách nhau và được canh phòng cẩn thận bởi vì mỗi hiệp đều phải giữ bí mật về tài nghệ riêng của mình.
Công việc hoàn thành, Hội đồng kỳ hào họp, dưới quyền chủ toạ của "Bá tước thông giám", và tuyên bố công trình do nhóm của Chuẩn là hơn hẳn. Quyết định đó đã gây nên một trận xô xát giữa hai nhóm thợ bạn làm sườn nhà chạm trổ. Chuẩn đã thắng cuộc. Lúc ấy, người giả hành khất đã cho mọi người biết rằng từ lâu anh ta là chủ của một hội kín chỉ kết nạp vào hội những thợ bạn nào đã được trổ tài.
Từ chuyện kể này, tôi có thể rút ra những kết luận sau đây: Ngày xưa ở An Nam có những "Nhóm bí mật về nghề nghiệp", nhóm này đố kỵ với nhóm kia, tổ chức cũng na ná như những "Thợ bạn vòng quanh nước Pháp" (“Compagnons du Tour de France"), vả chăng cũng cần chú ý rằng ngày nay vẫn còn có những phường hội An Nam truyền một số bí mật từ cha sang con và có một số nghề chỉ tập trung thành những làng chuyên môn. Cũng như ở Đậu Khê (tỉnh Hải Dương) có nghề gốm cha truyền con nối từ thế kỷ XI và ở Thanh Hóa từ thế kỷ XV, ngày nay, gần Hoành Sơn, tại làng Trung Cần, vẫn có những người thợ mộc làm nhà và thợ chạm trổ khéo tay.
Bàn thờ của đình dành để thờ hai vị thần thành hoàng của làng: Tam Tòa và Tứ Vị. Ngôn từ thứ nhất chỉ người con trai thứ 8 của Lý Thái Tổ (người sáng lập ra triều Hậu Lý vào năm 1010) gọi là Nhật Quang, là một nhân vật nổi tiếng mà chúng tôi sẽ nói khi đề cập đến Đền Quả, ngôi đền chính thờ Ngài. Tứ Vị là tên gọi vợ vua Tàu Tống Đế Bình, vua sau cùng của triều nhà Tống (960 - 1279). Nói về bà chúa này, chúng tôi đã kể lại một huyền thoại nào đó thuật chuyện làm nền của Đền Cờn (hay Cần), đền thờ Bà ở cửa Cờn (hay Cần) là một trong những cửa bể của "xứ Diễn Châu".
Hàng năm, vào dịp tháng 6 âm lịch, Hoành Sơn dâng rượu và các đồ tế phẩm lên vong linh của Tam Tòa và của Tứ Vị.
Theo như việc thờ cúng Nhật Quang, thiết tưởng có thể khẳng định rằng, người lập nên làng Hoành Sơn là con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ. Địa phận dành cho làng ấy nguyên là phần đất của đất phong dành cho Nhật Quang.
Vậy thì Hoành Sơn có thể đã được thành lập vào đầu thế kỷ XI trên những dải phù sa do sông Lam bỏ lại.
Việc thờ cúng Tam Tòa và Tứ Vị do bốn giáp và năm phường đảm nhiệm. Do đó mới có đôi hoành phi đặt đằng trước gian giữa của ngôi đình dành để thờ hai vị thần phù hộ:
1. Ngũ phương kiêm ngũ phúc
(Ngũ phương tương ứng với ngũ lộc hay ngũ phúc). Phúc - Lộc - Thọ - Khang - Ninh
(Ngũ lộc tương ứng với ngũ phúc). Chữ Phúc là dơi được dành cho con vật này. Chữ "Phúc là Dơi" viết khác chữ "Phúc là hạnh phúc" nhưng cả hai chữ đều đọc như nhau, từ chỗ giống nhau đó nên người ta dùng con "dơi" để tượng trưng cho chữ "Phúc".
2. Tứ giáp điển tứ duy:
(Tứ giáp thì mỗi giáp có một trong bốn đức chính: Trung - Hiếu - Lễ - Nghĩa).
Tôi chỉ còn phải nêu lên một ý niệm về cái đẹp của các hình chạm trổ của đình Hoành Sơn và trình bày ý nghĩa của các hình chạm ấy.
Hình CXXXVI ở trên nhìn theo chiều dọc, cho biết ngôi đình gồm có bảy gian.
Hình CXXXVI ở dưới chỉ gợi cho ta một ý niệm về bên trong của ngôi đình, có bốn gian, nhìn Hình đầu tiên ta thấy gian giữa, bên phải gian này có một khoảng dành cho bàn thờ hai vị thần thành hoàng. Cần phải chú ý những cột lim đồ sộ vốn là cây nguyên.
Về đồ mộc xứng đáng nêu tên thì chỉ có một cái tủ mà mỗi một hình mẫu (mô típ) trang trí đầu tháng được bình giải.
Ở trên cái tàn của bàn thờ thần, có dòng chữ Hán:
"Tứ thần khí tráng văn chương"
Nghĩa là: "Bốn luồng khí thường làm rạng vẻ văn chương (bốn mùa).
Trên tấm bên kia, người ta đọc:
"Hoàng thượng vạn vạn tuế"
Lời chúc thọ giống như câu của Phương Tây "Hoàng đế muôn năm". Lời chúc thọ này đã dâng lên vua Hiến Tông, dưới thời Ngài trị vì đã dựng ngôi đình vào năm 1763 theo công lịch.
Các hình chạm trổ trong Hình CXXXVII biểu hiện một đám rước quân lễ với voi, trống đồng, quân lính cầm giáo. Trên Hình CXXXVIII người ta thấy một cuộc đua thuyềntrên sông Lam.
Các Hình CXXXIX và CXL rất đặc sắc ở chỗ các hình chạm lộng hình hai con rồng chầu mặt trăng, hai bên có hai con phượng, giống chim sống lại từ đám tro sau khi bị thiêu.
Ở trên bức hoành phi thứ hai là hình ảnh của một trong những "kỳ thi" vào ngạch võ quan.
Hình CXLI ở dưới là hình sứ giả của vua Cao Tổ thuộc triều nhà Hán, thay mặt nhà vua đến mời "Bốn vị ẩn cư tại núi Thường Sơn" về triều để làm cố vấn cho Hoàng đế. Bốn vị hiền triết này đều đã từ chối.
Hình CXLI ở trên, người ta thấy Hoàng đế Thành Thang đích thân đi đến gặp Y Doãn để yêu cầu Y cộng tác với mình cai quản vương quốc. Y Doãn đã từ chối.
Cuộc bàn luận về hai bức hoành phi sau cùng này sẽ đưa chúng ta đi xa. Thực thế, vì có rất nhiều ý kiến khác nhau có thể giải thích ý nghĩa. Nó thuộc về những biến cố của lịch sử Trung Hoa, đã thu hút rất nhiều tác giả An Nam và mỗi một cách lý giải đều phải được bàn luận. Vậy nên chăng không đưa ra một giải thích nào cả? Cách hiểu đúng hơn cả có lẽ hai bức hoành này là một biểu hiện lòng trung thành của quan lại đối với một triều đình đã bị lật đổ, bởi vì cần nhớ rằng thời kỳ dựng đình thì triều đình Thăng Long đã bị rối ren do các cuộc tranh giành trong nội bộ họ Trịnh, những "thị nội" thực sự của Triều Lê.
Còn phải thêm vào những cái đó các hình chạm trổ khác thể hiện cuộc sống và các phong tục của người An Nam vào thế kỷ XVIII mà ngày nay không còn nữa và cả việc nhắc lại những biến cố trong lịch sử Trung Hoa mà đối với các thế hệ ngày nay đã mất hết ý nghĩa như:
a) Dòng chữ trên bảng thiếp vàng ghi tên con cháu của Hoành Sơn thi Hương đậu, trở về làng trong thắng lợi và những người này đã làm lễ bái yết tổ tiên để tỏ lòng biết ơn về những thành công đã đạt được.
b) Vua Văn Vương mời Thái Công đến ở tại Hoàng cung. Đây là dòng chữ thứ ba thêm vào hai dòng chữ trước mà các nhà Nho ở đây lấy làm thú vị trổ tài học vấn uyên thâm của mình và kết hợp một số sự việc nào đó của lịch sử cổ xưa đối với những sự kiện hiện đại.
Ông Tú Tánh (Nguyễn Đức Tánh, tú tài), người cộng tác với tôi, quê ở Hoành Sơn. Ông đã nhờ các hào mục trong đó có thân phụ ông, mời quan đốc và học trò các lớp trên ở trường Quốc học Vinh, đến dự ngày lễ hàng năm của làng vào ngày 10 tháng Hai năm 1928. Một trận mưa không may đã gây ra những hậu quả tai hại cho một số trò chơi trong ngày lễ ấy. Trận mưa đã phá hủy tất cả giấy màu dán trên sườn tre, là những nét riêng biệt của một số trò chơi hoặc tế lễ của người An Nam. Các vật trang trí của sân đánh cờ, các con rồng, và thủy quái trên những chiếc thuyền đã bị hư hại trong đêm trước lúc chúng tôi đến.
Trong cuộc đánh cờ người (Hình CXLII), 16 cậu con trai và 16 cô thiếu nữ làm quân cờ. Mỗi bên có một tướng, hai sĩ, hai tượng, hai xe, hai pháo, hai mã và năm tốt.
Trai thì đầu quấn một dải lụa mỏng màu đỏ, gái thì một dải lụa xanh.
Trật tự mỗi bên do một "trưởng" đảm nhiệm. Tất cả mọi người đều được tham gia. ở mỗi bên có một người chơi cầm cờ đỏ, khi muốn chuyển chỗ một con cờ thì anh ta phất cờ một cái trước mặt người ấy. Nhưng một tiếng trống và thanh la inh tai vang lên, làm cho anh rối trí và đi sai nước thiệt cho các con cờ.
Người chơi cờ may mắn thắng ba cuộc liên tiếp thì được nhận phần thưởng bằng hiện vật của làng, một cái áo dài xanh bận trong ngày lễ hoặc một cái ô, hoặc dép bằng da tuỳ mình chọn.
Khổ cho người thua cuộc! Tha hồ cho khách xem nhạo cợt chê bai, chẳng khác gì như đối với một viên tướng bại trận trở về.
Cuộc đua thuyền thu hút dân làng kéo lên đê, con đê che chở cho xóm làng chống lại tai họa do sông nước gây ra. Mỗi lần đua chỉ hai thuyền, một thuyền 12 nam, một thuyền 12 nữ. Mỗi thuyền chịu lệnh một ông "trưởng" ngồi đầu mũi quay mặt về phía người chèo, vung tay từ phải sang trái và ngược lại để bắt nhịp vào động tác các tay chèo theo giọng "khoan, hò khoan" mỗi lần tay chèo chạm nước.
Có một trò chơi đẹp nhất là "đu tiên" (Hình CXLI ở trên). Để dùng cái ngôn từ gợi lại một trong những trò chơi đã thu hút biết bao tiền tài tại Hội chợ quốc tế năm 1900 ở Paris, tôi sẽ nói đó là một "bánh xe lớn" hình lục giác, ở sáu cạnh có treo sáu cái đu có mang sáu cô thiếu nữ trang điểm rất đẹp, họ dùng lực của đôi bàn chân để làm cho bánh xe quay.
Tục đu tiên này gợi lại một hình thức cúng tế mang tính chất tôn giáo Champa mượn của ấn Độ. Tôi cần nhắc lại lễ này bởi vì sự giao hòa ấy sẽ giúp cho tôi đặt một giả thiết mà nhà sử học không thể không chú ý đến tầm quan trọng của nó.
Một công trình nghiên cứu của ông E.M Durand mang tên "Khảo luận về người Chăm (Tập san E.F.E.O. tập VII năm 1907, từ trang 320 đến 321) cho chúng tôi biết: trò chơi đu, một trong những trò giải trí mà phụ nữ ấn Độ rất thích đã thâm nhập vào các nghi lễ tôn giáo, Thầy lễ là một người đàn bà đóng vai trò chủ chốt trong lễ đưa đu. Đặc biệt trong việc thờ cúng những Krish mà dấu ấn của người phụ nữ đã ăn sâu, thì một trong những thứ lễ hàng ngày cần phải làm là đu đưa tượng Phật (Đôlana).
Cũng chẳng có gì là ngạc nhiên khi thấy ở Hoành Sơn còn một phong tục Champa, nếu như người ta muốn xem lại bài khảo luận của tôi nói về "Những nhóm tộc người gốc Champa tại An-Tĩnh" mà tôi đã trình bày trong Tập san số tháng 4-6 năm 1935. ở trang 22, theo sự thật tôi nêu lên ba làng thành lập vào thế kỷ XIII ở tổng Nam Kim ngày nay (làng Hoành Sơn thuộc tổng này) dành cho tù binh Champa. Tôi nhắc lại là sau khi Thái Tôn - người sáng lập ra triều đại nhà Trần, chiến thắng Champa (1252), các tù binh Champa đã được phân bố tại An-Tĩnh thành hai nhóm: một nhóm ở tổng Nam Kim (3 làng), một nhóm ở phủ Hưng Nguyên (4 làng), hai bên bờ sông Lam. Trước kia vào thế kỷ XI, Nhật Quang cũng đã đưa người Champa đến sinh cơ lập nghiệp tại vùng Hoành Sơn.
Từ những nhận định ấy, có thể kết luận rằng, trò "đu tiên" của Hoành Sơn có thể coi như đu Champa.
Chắc chắn là, vào những ngày lễ của dân chúng, người ta thấy những chiếc đu ngay cả ở xóm nghèo nhất. Nhưng giữa những cái đu ấy với cái đu của Hoành Sơn có hai chỗ khác nhau xa: đu của Hoành Sơn nhiều bộ phận, nó gồm có 6 cái đu trên một "bánh xe lớn" trong lúc ở những nơi khác thì đu đơn giản. Vả lại ở những nơi ấy, đu là một trò chơi của trẻ em, trái lại ở Hoành Sơn, trò chơi "đu tiên" mang phong cách của một nghi lễ tôn giáo chỉ dành riêng cho thiếu nữ tìm chồng.
Dù sao chăng nữa, "ba nhóm nguồn gốc Champa" có thực ở tổng Nam Kim, Hoành Sơn thuộc tổng này, đó là các làng Xuân Lồi, Xuân áng và Thánh Tự. Chắc chắn rằng tục chơi "đu tiên" ở Hoành Sơn là việc gợi lại một trong những nghi lễ tôn giáo của người Champa xưa kia không phải là một giả thiết vu vơ.
...còn nữa...