
AN-TĨNH CỔ LỤC
(LE VIEUX AN-TĨNH)
Tập san Đô thành hiếu cổ xuất bản năm 1936
(Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1936)
Tác giả: HIPPOLYTE BRETON
Người dịch: NGUYỄN ĐÌNH KHANG và NGUYỄN VĂN PHÚ
Người hiệu đính: CHƯƠNG THÂU và PHAN TRỌNG BÁU
*Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây
Giữ bản quyền tổ chức và bố cục bộ sách
***
Thiên II
CHƯƠNG 5 - Lưu vực sông Lam
***
NHỮNG THẮNG ĐỊA VÀ ĐỀN ĐÀI NỔI TIẾNG
(Tiếp theo từ trang 192 - 201)
Một sự việc khác cho phép xác nhận những giả thiết của tôi về sự có mặt của những người An Nam gốc Champa tại Nam Kim. Đó là việc phát hiện những pho tượng nhỏ bằng gỗ mang phong cách ấn Độ mà tôi đã tìm được trong chùa Nam Sơn bị bỏ hoang. Về chùa Nam Sơn sau này tôi sẽ nói rõ.
Một vài người dân tổng Nam Kim có thể chối từ hoặc giấu tổ tông họ là người Champa, ta cũng không nên trách họ làm gì. Nhưng rất nhiều lý lẽ cho ta biết rằng các tù binh Champa đã sinh cơ lập nghiệp từ thế kỷ XI và XIII ở xung quanh Hoành Sơn, hiện còn lại một số dấu tích.
Nhưng nói gì thì nói, điều tốt nhất là nên cho biết lịch sử và khái niệm của "đình" ngày xưa và ngày nay. Đó là việc mà tôi sẽ làm dựa theo ông Trần Văn Giáp, trợ lý ở trường Viễn Đông Bác Cổ.
Theo một vài tác giả, đây là ngôi đình đặc sắc nhất trong các đền đài mang tính chất tôn giáo của người An Nam.
Những người này thì nói rằng "đình" là ngôi nhà chung cho tất cả bà con trong thôn. Nó gồm có một gian trong đó đặt bàn thờ của một hay nhiều thần thành hoàng làng, và các gian rộng dành cho hương hào nhóm họp và cho cả những ngày hội hè của nhân dân toàn thôn (xem bài của Nguyễn Văn Khoan: Tiểu luận về cái "Đình và việc thờ cúng thần thành hoàng ở Bắc Kỳ", BEFEO, t.XXX, tr.11). P.Giran trong bài "Phương thuật và Tôn giáo của người An Nam" tr.334-335 nói rằng: "Đình, chỗ ở của thần thành hoàng của mỗi một làng, là nơi chung sống của bà con trong thôn. Chính nơi đó các hào mục nhóm họp, mọi việc cai quản trong thôn xóm cũng như kiện cáo nội bộ đều được giải quyết ở đấy. Tế lễ, hội hè cũng được tổ chức ở đó, tóm lại là tất cả mọi vấn đề thuộc đời sống xã hội của người An Nam". Đó là những định nghĩa đúng nhưng không thấy nhắc đến lịch sử ra đời của đình. Muốn kể lại cái lai lịch ấy thì phải đọc các tài liệu của người Tàu.
Chữ "đình" là phiên âm của chữ Tàu (t’ing). Từ này có niên đại ít ra cũng từ những thời kỳ đầu của triều đại nhà Hán, nghĩa là từ thế kỷ thứ nhất của công lịch và có nghĩa là "một nơi cho khách chơi đi đường trú chân".
Chúng tôi được soi sáng thêm bởi một cuốn sách Tàu:
Đình Minh Trùng. Lý tạo pháp thức (Về cuốn sách này, xem: Paul Demiéville, BEFEO XXV,1925). Tác giả sống vào thế kỷ XI, đã sử dụng các nguồn tài liệu có từ thế kỷ thứ nhất công lịch, triều nhà Hán.
Theo tác giả này thì "đình" nghĩa là: dừng chân, nghỉ; nhà trạm cho quan lại nghỉ chân dọc đường và nhà trạm cho khách đi đường. Tiếp nhận một số thiết chế của triều đại nhà Tần, người Hán đã cho xây dựng, dọc theo các đường vua hay đi, những ngôi "đình" cách nhau chừng 10 dặm.
Một định nghĩa khác "đình" có nghĩa là "nơi tụ họp, nhà chung", ở nơi đó những công việc thuộc lợi ích chung được đem ra bàn bạc.
Tất cả những công dụng ấy đều được ghi trong một cuốn sách An Nam Việt sử tiêu án (Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án), trong đó có nói thêm như sau:
"Năm thứ 7 niên hiệu Kiến Trung đời vua Thái Tôn (người sáng lập ra triều đại nhà Trần) tức là năm 1231, vua xuống dụ cho tất cả là phải thể hiện tượng của đức Phật trong tất cả các "đình". Có chuyện đó là vì:
Vua Thái Tôn, hồi còn nhỏ, một hôm nghỉ chân tại một ngôi "đình", vua và một số nhà sư gặp nhau ở đấy. Nhà sư tiên đoán rằng Thái Tôn sẽ làm vua, rồi bằng phép lạ, biến mất. Để ghi tạc lời tiên đoán đó, ít lâu sau khi lên ngôi, Thái Tôn truyền lệnh phải tôn thờ đức Phật trong tất cả các đình.
Từ những kiến giải nói trên thì chắc có lẽ "đình" của người An Nam là một trong những vết tích về tổ chức hành chính của triều đình nhà Hán, và người An Nam về sau đã khoác cho nó một tính chất xã hội và tôn giáo. Vậy thì sự biến đổi của thiết chế ấy có thể được thể hiện bởi ba khái niệm, đó là:
1- Đình: Nơi trú ẩn dành cho khách đi đường.
2- Đình: Trạm hành chính.
3- Đình: Nhà chung cho cả làng và đền làng.
Nhưng ngày nay, ít ra tại An-Tĩnh, người ta sẽ không thờ Phật trong các "đình" nữa. Là thiết chế mang tính chất tôn giáo "đình" chỉ còn thờ các thần thành hoàng. Đình là nơi mà các hương hào nhóm họp để bàn bạc tất cả mọi công việc thuộc lợi ích chung (hành chính, tư pháp, thuế má v.v...). Lễ tế một hay nhiều thần thành hoàng thực hiện ở chỗ này, và đó là ngày hội của làng.
Sau cùng đây là nơi tiếp đón khách lạ đi qua; quan hoặc quan chức của Pháp đi kiểm tra. Những nghi ngờ ấy đã được P.Pasquier nói rõ trong cuốn An Nam ngày xưa. Được báo tin có người lạ, lập tức cồng đánh, mõ khua. Người ta theo dõi, rình người lạ và dẫn họ tới đình và họ chỉ được đến đấy mà thôi.
Đình tượng trưng cho tình trạng giữ luật lệ riêng của người An Nam. Tục ngữ dân gian đã truyền đời: phép vua thua lệ làng.
Chùa Nam Sơn hay chùa Ngang. - Ngọn đồi Nam Sơn là một nền cũ của sông Lam, sông chảy qua chân đồi vào thế kỷ X. Đồi thuộc địa phận Hoành Sơn đã nói ở phần trước. Một lùm cây thiêng bao bọc ngọn đồi, chùa nằm ở giữa. Hình CXLIII cho ta khung cảnh tổng quát của những nơi này.
Ngôi chùa lâu đời nhất đã được xây dựng vào thế kỷ XI, lúc đó Lý Nhật Quang là quan trấn thủ An-Tĩnh. Trong chương sau dành cho đền Quả sẽ nói về danh nhân này.
Chùa được trùng tu nhờ sự hào phóng của họ Đặng, tấm bia dựng ở sân chính có ghi. Hàng chữ khó đọc, mặc dù vậy tấm bia cũng cho ta biết việc tu sửa lại ngôi chùa đã tiến hành năm thứ 8 niên hiệu Quảng Hưng đời vua Lê Thế Tôn, tức năm 1586.
Chùa đã bị bỏ hoang từ lâu, nhưng một số pho tượng còn ghi lại quá khứ của nó. Thú vị nhất là những tượng có phong cách thuần tuý ấn Độ, tạc vợ chồng Vischnou và Cyva. Rõ ràng ở đây có ảnh hưởng Champa. Qua đó sẽ không lấy làm lạ khi người ta biết rằng Nhật Quang đã lập ba làng thuộc tổng Nam Kim với những tù binh Champa bắt được sau một chiến dịch chống lại Champa (1020). Những pho tượng ấy để trong các nhà tượng của sân chính nhưng không may tôi đã đánh mất ảnh. Tôi chỉ còn các ảnh chụp phía trong ngôi chùa (Hình CXLIV), đó là mô tả thuở thiếu thời của Phật, đặt ở giữa tấm ảnh.
Người ta thấy ở đây chín con rồng phun nước quý lên thân hình cậu bé thần linh để tẩy sạch những dơ dáy lúc mới sinh. Hình chạm này biểu hiện sự biến dạng của ấn Độ giáo dưới ảnh hưởng Hán Việt.
Nghe lời tôi, vị tiên chỉ của Hoành Sơn (bố của ông Tú Tánh, người cộng tác với tôi) đã đặt ngôi chùa và những di vật kỳ lạ của nó dưới sự bảo trợ của làng xã.
«
« «
Thầy Nam Sơn và trường học Đông Sơn. - Xung quanh vùng Hoành Sơn, có cái am đơn sơ dựng từ năm 1887, cùng mấy hàng chữ trên đá, được tạc vào những năm 1873 và 1883. Các hình do người xưa vẽ ở đền đài miếu mạo, đến nay vẫn có lợi ích lớn đối với việc nghiên cứu những phong tục vừa mất đi từ ít năm nay.
Những nơi này cũng làm rạng rỡ một nhân vật nổi tiếng của An-Tĩnh. Đó là "Quan Thám Nhất". Tấm bia trên ngôi mộ (Hình CXLVI và CXLVIII ở dưới) mang đằng trước hàng chữ:
Nơi đây yên nghỉ Nguyễn Khả Am đại nhân, ông Thám hoa biệt hiệu Nam Sơn.
Thám hoa là tước phong cho người nào, ngày xưa thời còn học chữ Hán, đi "thi đình" đậu thứ 3. Dịch theo từng chữ, Thám hoa nghĩa là "hái hoa mơ", Khả Am nghĩa là "Tu" và nhà tu hành tên thật là Nguyễn Đức Đạt. Nam Sơn là bút danh của Khả Am và do đó mà các môn đệ đã gọi ngài là
"Nam Sơn Thám hoa".
Mặt sau của tấm bia có tiểu sử của nhà tu hành:
- Ông sinh năm ất Dậu (1825) là một người uyên bác. Đậu Cử nhân năm ất Tí (1845) dưới đời vua Thiệu Trị và Thám hoa năm Quý Sửu (1853) dưới đời vua Tự Đức. Lần lượt ông đã làm đốc học các trường của tỉnh nhà (An-Tĩnh hay Nghệ Tĩnh) năm 1863, tổng ngự sử tại kinh đô (Huế) năm 1865, án sát rồi bố chánh của tỉnh Thanh Hóa (Trung Kỳ) và sau cùng là tuần phủ tỉnh Hưng Yên (Bắc Kỳ).
Năm Quý Dậu (1873), Hà Nội và Hưng Yên rơi vào tay người Pháp và Khả Am xin từ chức năm 1876. Mười một năm sau (1887) Ngài mất, thọ 63 tuổi.
Bản tiểu sử này, Hoàng Cao Khải và Cao Xuân Dục ký tên là học trò của danh nho, hai người này đã dựng bia năm 1917 để tỏ lòng nhớ ơn thầy. Người thứ nhất nguyên là kinh lược ở Bắc Kỳ (Phó vương) mất tại Hà Nội năm 1934. Người thứ hai (Cao Xuân Dục) là thượng thư Bộ Học Huế. Về hưu năm 1917, Ngài sống gần Phủ Diễn tại làng quê và mất ở đấy năm 1920. Cụ lớn Hoàng Cao Khải là người Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh).
Sau khi từ chối không nhận những chức vụ cao nhất ở quan trường, Nguyễn Đức Đạt lui về ở trên ngọn đồi Đông Sơn. ở đây Ngài mở một lớp học ngoài trời. Chỗ "ở ẩn" này của Đông Sơn là một trong những nơi đẹp nhất của An-Tĩnh. Hình CXLV cho thấy rõ ở phía Đông, Đông Sơn nằm trong vùng đất cũ sông Lam.
Học trò của Thám hoa đã tặng cho nơi này biệt hiệu:
"Nam Sơn Khả Am"
Về mặt nghiên cứu các chữ cổ khắc trên tảng đá Đông
Sơn rất có ý nghĩa: Đứng ở đâu người ta cũng thấy những "hòn đá có chữ". Những chữ khắc này đối với chúng tôi là một điểm tựa rất quý để nghiên cứu lịch sử các phong tục tập quán đã mất đi từ khi bỏ Hán học (Trung Kỳ 1919; Đàng Ngoài 1915). Tất cả những chữ ấy đều do học trò khắc.
Có ba dãy đá khắc chữ người ta đã đặt tên:
"Tam Bình Nham".
Hay là "Những hòn đá tạo thành ba bức bình phong". Nhóm ngôn từ này tượng trưng cho sự yên tĩnh của địa điểm, xa con người và tiếng động.
Ở đó người ta thấy bàn thờ và chữ khắc trên đá thờ Thám Nhất (hay Thám Hoa), cái bục nơi thầy đã dạy học trò và ngồi hóng mát hoặc nghỉ ngơi vào những giờ nhàn rỗi và cái bàn mà Nam Sơn thường ngồi để chấm bài cho học sinh.
Hình CXLVI cho ta thấy trong một ngôi nhà nhỏ có một tấm bia do học trò dựng để ghi công lao cuả thầy. Bia dựng từ năm 1877. Tên hiệu bằng chữ to "Tam Bình Nham" và văn bia thuật lại niềm say mê của việc học hành tại một nơi nên thơ.
Thật là một điều cảm động với những dòng chữ và tấm bia mà các môn đệ muốn ghi tạc trên đá để lưu lại muôn đời tư tưởng của người thầy học, con người sau khi đã khước từ mọi chức vụ cao nhất có thể đưa mình lên đến địa vị cầm đầu một Bộ ở Huế, lấy làm thích thú về nơi thanh vắng và dạy dỗ cho những người trẻ tuổi, lớp người ưu tú của tỉnh nhà. Về thù lao thầy chỉ nhận có "gạo và nước mắm, áo dài và dép", nghĩa là các môn đệ đã cung cấp cho thầy những thứ cần thiết cho đời sống, không có gì hơn.
Đấy là những phong tục đã mất đi từ một phần tư thế kỷ. Lòng tin của ông thầy vào sự nghiệp của mình, lòng thảo kính của người học trò đối với người cha thứ hai ngày nay không còn như xưa nữa.
Người tầm thường bây giờ chỉ lấy vàng làm trọng. Họ lo toan nhiều về quyền lợi vật chất. Những lợi lộc ấy chỉ có thể là những kích thích tầm thường. ở "An Nam ngày xưa" không phải cái gì cũng hoàn hảo cả, nhưng nó có tầng lớp thượng lưu; cái đẹp của "An Nam ngày nay" sẽ chỉ có thể do lớp người thượng lưu làm ra. Mỗi một thời đại có những nhân vật nổi tiếng, nhưng từ thời đại này đến thời đại khác, những con người thượng lưu khác nhau về cơ bản bởi những tính nết, phong tục của họ. Sự tiến bộ đòi hỏi một số phong tục phải mất đi, nhưng cần phải thay thế vào những phong tục có một tầm đạo lý cao hơn.
Trường Lục Niên. - Cách phía Nam Hoành Sơn, trên đỉnh của một trong những đồi nhỏ tách khỏi dãy núi Thiên Nhẫn có một trường học khác, vào cuối thế kỷ XVIII.
Người ta gọi là Lục Niên bởi vì ông thầy lập ra trường ấy đã dạy học ở đấy sáu năm, cho đến khi mất.
Nhưng cách giải thích có lý hơn cả là ngọn đồi nhỏ nằm ở chân Lục Niên thành, "thành lũy của sáu năm" mà sau này sẽ nói.
Thầy tên là Nguyễn Thiếp. Ông đã từng là tri huyện Thanh Chương (Nghệ An) vào cuối triều nhà Lê. Tiếp đến là thời kỳ loạn lạc của lịch sử An Nam, gọi là loạn "Tây Sơn" (1774 - 1801). Trung thành với triều nhà Lê, Nguyễn Thiếp từ chối không chịu ra phụng sự các tân quân.
Sau khi tự nguyện rút lui khỏi mọi chức vụ của Nhà nước, ông đến ẩn cư trên đỉnh ngọn đồi thanh vắng của làng quê và mở trường dạy học ở đấy.
Vong linh thầy được tôn thờ trong một ngôi đền do tất cả học trò dựng lên ngay ở trường. Học trò của ông cũng lo luôn cả việc xây lăng.
Đền và lăng này được chụp ở Hình CXLIX. Các đỉnh tạo thành phần cuối của Hình là những nhánh sau cùng của dãy "núi Thiên Nhẫn", dãy núi mà ở đấy "thành Lục Niên" đã bị che lấp.