Ở Sài Gòn, một quả phụ tài sắc cùng hay, lại chịu ở lâu trong cảnh hiu quạnh. Chút vì năm nọ trời trở lạnh bất thường, vật giá lại gia tăng giữ dội, quả phụ đành phải mở ngôi hàng phở để mưu sống qua ngày.
Nhưng lạ gì chốn chợ đời, “nhà hàng không nhớ khách”, oái oăm thay “khách vẫn nhớ nhà hàng”. Mà khách lại đông, mỗi sáng ùn ùn kéo đến, không hẳn vì phở mà phần nhiều vì nàng, khiến cho nàng phải tính dẹp bớt sự tấn công nham nhở, bằng cách ra vế đối :
“Nạc mỡ nữa làm gì, em nghĩ chín rồi, đừng nói với em câu tái giá”
Câu này thật hóc búa, vì những chữ vế phở đều có hai nghĩa: nạc mỡ, chín, tái, giá.
Nhưng trong tiệm lúc đó có rất nhiều đối tượng khách đang “mê phở”, một ông chủ hớt tóc đã đối lại :
“Tóc tơ đâu phải rỡ, tớ liền kéo lại, chớ hòng trốn tớ chuyện giao (dao) đầu.”
Một ông hai thứ tóc cũng gùn ghè :
“Muối tiêu chi đáng ngại, lão còn gân chán, hãy vui cùng lão tát gầu dai.”
Một ông tính nóng như lửa, thấy không được toại ý, những muốn đập phá, may có bạn đứng ra can khéo :
“Hành tỏi vừa thôi chứ, khách hăng tiết đây, hãy thêm cho khách đủ răm (rau) mùi.”
Một ông ở chợ cá góp lời :
“Cá nước vui đi chứ, tớ lên sốt sẵn, nỡ nào để tớ phải kho tôm!”
Một ông thầy bói đối :
“Càn khôn đâu cũng mặc, lão xin gieo lại, dẫu bề nào lão chẳng can chi.”
Một ông thầy lang ra chiều hăm doạ:
“Thuốc thang chưa dỡ hả? tớ còn bốc nữa, không nghe thì tớ tiêm liều.”
Một bác hủ nho tính ngay chuyện trăm năm:
“Thịt xương tìm chốn gửi, mỗ xin tô nữa, thử vui cùng mỗ cuộc giao-tranh (dao-chanh)”
Sau cùng thì một ông già nghĩ: có một bông hoa thôi mà bấy nhiêu con bướm lượn, thiết tưởng để nàng được tiết hạnh trăm năm là hơn, nên đứng ra ngỏ lời phương tiện :
“Tiết sương (xương) thôi giữ vẹn, lão không hành nữa, biết thân rồi lão chẳng tranh (chanh) lèo!”